Đông Du Ký [Đông Du Bát Tiên]

ĐÔNG DU BÁT TIÊN
Bát Tiên gồm có:1. Lý Thiết Quả 2. Hán Chung Ly 3. Lữ Đồng Tân 4. Trương Quả Lão 5. Lam Thể Hòa 6. Hà Tiên Cô 7. Hàn Tương Tử 8. Tào Quốc Cựu
Cả thảy 22 hồi

HỒI THỨ NHẤT

Ngưng Dương lánh tục tìm thầy

Lão Tử giáng sinh dạy đạo

Nói về Lý Thiết Quả. Ngài họ Lý tên Huyền, hiệu Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tính hạnh trong sạch, lại thêm văn học thông minh. Đến năm hai mươi tuổi, ý muốn tu tiên, không mộ công danh phú quý. Vì xét lại cuộc đời không có chi bền chắc, rất đổi giang sơn còn phải dời, biển dâu còn phải biến, tháng ngày thấm thoát như thoi đưa, giờ khắc trải qua như tên bắn, trẻ sớm già, già sớm chết, việc vinh hoa như giấc chiêm bao, chi bằng tu hành làm thần tiên là quý. Nghĩ như vậy liền từ giả thân nhân bè bạn, lên non núi, ở lều tranh động đá thanh nhàn. Lại còn lười ăn, uống thuốc tịch cốc. Xảy nghe đồn ông Lý Lão Tử đi dạy đạo đã đến núi Họa Sơn. Lý Ngưng Dương nghĩ rằng: “Ngài một họ với ta, lại đứng đầu mối đạo, cũng nên đến học với ngài”. Nghĩ rồi liền bỏ động đi tầm sư học đạo. Đi dọc đường ngâm thở rằng:

Tâm tánh con người có thấp cao,
Khen lò tạo hóa đúc anh hào
Làm trai hiểu thấu vòng vinh nhục,
Được chữ thanh nhàn khỏi chữ lao.

Ngâm thơ rồi đi rất lâu mới đến Họa Sơn thì Mặt trời đã lặn. Lý Ngưng Dương nghĩ rằng: “Mình là đệ tử, lẽ nào dám đến ban đêm mà gõ cửa, chi bằng ở trên bàn thạch, đợi sáng sẽ hay”.

Nói về Lão Tử là một vị thánh, từ khi có trời đất đã xuống trần rất nhiều lần, song chưa có đầu thai. Sau đến đời Thương có nàng Ngọc Nữ tám tuổi, tự nhiên mang thai. Thiên hạ lấy làm quái gở. Ngọc Nữ mang thai tám mươi năm, nhằm đời vua Thương Võ Đinh, năm Canh Thìn, ngày rằm tháng hai, giờ sửu, Ngọc Nữ thấy trăng tỏ nên đi dạo dưới cội cây lý, liền nức hông bên tả, ông Lão Tử liền nhảy ra từ đó, chỉ cây lý mà nói rằng: “Họ ta đó”. Bà Ngọc Nữ kinh hãi, xem lại hông thì đã liền lại như trước. Sau bà ấy thành tiên. Còn Lão Tử khi mới ra đời râu tóc đã bạc, nên xưng là Lão Tử, lại có một hiệu khác là Lão Đam, lại mỗi tai có thêm môt tai bên trong, nên xưng là Lý Nhĩ, miệng rộng răng dày, thiên đình cao, râu tốt, mắt sáng, tai dài, sóng mũi cao, trên tráng có chỉ như hai chữ Thiên, tự là Bá Đương, quê quán tại nước Sở, huyện Khổ, làng Lại, xóm Khúc Nhân. Ngài là một vị thánh giáng sinh nên biến hóa vô cùng, khi đằng vân, cưỡi hạc về cung tiên, khi xuống trần thế.

Đời nhà Châu, vua Thành Vương. Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử, sau ngài từ chức đi dạo tới nước Thiên Trước và Tây Phương. Khi Châu Khương Vương tức vị, ngài trở về Châu được hai ba năm, ngài lại cưỡi thanh ngưu đi giáo đạo nước Tây Vức, mới đi đến ải Hàm Cốc, độ cho quan huyện Doãn Hỷ.

Ông Doãn Hỷ chính là Nguyên Thủy Thiên Tôn giáng sinh, người huyện Thiên Thủy, khi bà mẹ còn mang thai ông Doãn Hỷ, chiêm bao thấy đoạn lụa đỏ trên trời sa xuống quấn quanh mình, sau sinh ông Doãn Hỷ thì xung quanh nhà sen mọc trổ hoa. Đến lớn ông có đôi mắt sáng như sao, râu dài như Lão Tử, rất giỏi thiên văn. Khi làm quan huyện tại ải Hàm Cốc, xem thiên văn thấy có thần tiên khí bên đông qua tây, biết có vị thánh đi ngang qua ải mình mà qua Tây Vức, liền nói với thơ lại rằng: “Nếu ngươi thấy người nào hình dung khác thường đi qua đây, thì báo cho ta biết”.

Đời Châu Khương Vương năm thứ hai mươi ba, hôm tháng bảy, ngày giáp tý, Lão Tử ngồi trên xe trắng, con trâu xanh kéo xe đến ải Hàm Cốc, Từ Giáp đánh xe. Thơ lại thấy Lão Tử cốt cách phi thường, liền báo với quan huyện, Doãn Hỷ nói: “Hôm nay ta chắc gặp thánh nhân”. Nói rồi áo mão tề chỉnh ra nghinh tiếp, quỳ mà thưa rằng: “Xin thầy thương tôi ở lại đây mà dạy dỗ!”. Lão Tử nói: “Ông nói lầm đó. Tôi là ông tiều, đi ra ngoài ải mà lấy củi, ông giữ tôi ở lại mà làm chi?”. Doãn Hỷ lạy và thưa rằng: “Thánh nhân không lẽ đi lấy củi, tôi biết thầy đi qua phương Tây, nên tôi sẵn sàng mở cửa ải mà đợi, cúi xin nán lại ít ngày!”. Lão Tử nói: “Tôi hỏi thăm đường đi qua ải, nghe đồn Cổ tiên sinh thông phép thần tiên, biết cơ trời đất, tôi tìm Cổ tiên sinh mà học, người giữ lại mà chi?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi ngắm hình dung thầy, là thánh nhân giáng thế nên tôi quyết học ít nhiều, xin nhờ ơn dạy dỗ!”. Lão Tử hỏi: “Vì cớ nào mà thầy biết?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi xem thiên văn thấy điềm trời biết có thánh nhân qua ải”. Lão Tử cười rằng: “Ngươi đã biết ta lẽ nào ta không biết ngươi?”. Ngươi đã có thần thông, chắc là học đạo dạy đời được đây”. Doãn Hỷ rước vào ải, làm lễ rồi thưa rằng: “Chẳng hay kẻ đệ tử có được biết hiệu của thầy chăng?”. Lão Tử nói: “Ta sinh nhiều đời nên họ biết bao nhiêu mà kể. Còn bây giờ ta họ Lý, tự Bá Dương”. Nói rồi ở hơn ba tháng mà dạy Doãn Hỷ đạo tiên.

Nói về Từ Giáp là kẻ đánh xe cho Lão Tử rất lâu năm. Lão Tử nói: “Ngươi đánh xe tới ải Hàm Cốc, thưởng bảy trăm ba chục muôn đồng tiền điếu”. Bởi cớ ấy nên Từ Giáp hỏi tiền. Lão Tử nói: “Ta đi tới nước này nước kia mới có, sẽ trả cho ngươi, và thưởng thêm. Bởi ba tháng nay ở tại đây nên không có tiền”. Từ Giáp nghe hứa, liền dắt thanh ngưu cho ăn cỏ ngoài đồng.

Lão Tử bẻ một nhành hoa, biến ra một gái rất đẹp, mà thử Từ Giáp. Từ Giáp thấy nàng ấy theo tỏ tình với mình thì mê lắm. Tính không đi theo Lão Tử nữa, muốn có tiền mà cưới nàng ấy, ở đó làm ăn. Liền đến quan kiện Lão Tử mà đòi bảy trăm ba chục muôn đồng điếu. Lão Tử nói: “Ngươi theo ta hai trăm năm nay, đáng lẽ đầu thai nhiều kiếp, nhờ ta cho uống lá bùa Thái Huyền nên ngươi trường thọ. Sao ngươi quên lời giao ước mà kiện ta?”. Nói xong thì thấy lá bùa trong miệng Từ Giáp bay ra, nét chữ tinh nguyên như mới vẽ. Từ Giáp ngã xuống, da thịt tiêu biến chỉ còn lại một đống xương khô. Doãn Hỷ quỳ lạy xin lỗi giùm Từ Giáp, và van xin người cải tử hoàn sinh. Lão Tử ném lá bùa vào đống xương, Từ Giáp hiện hình sống lại. Doãn Hỷ trả tiền y số cho Từ Giáp, rồi phạt cách nhẹ nhàng. Sau Từ Giáp tìm nàng ấy không được, hỏi ra mới biết là Lão Tử biến hóa mà thử mình, ăn năn đã muộn.

Ngày kia Lão Tử nói với Doãn Hỷ rằng: “Khi trước ta nói Cổ tiên sinh, thật là ta đó, nay giã từ đi dạo phương xa”. Doãn Hỷ quỳ lạy xin theo. Lão Tử nói: “Ta đi khắp nơi ngươi theo sao được?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Dù nhảy vào nước sôi, ngồi trên than lửa, sống thác cực khổ tôi cũng nguyện theo thầy”. Lão Tử nói: “Tuy ngươi có lòng như vậy, song mới tu còn non, chưa từng biến hóa thần thông, theo ta sao được. Ngươi cứ tu hành theo phép cho lâu, thì sau cũng như ta muốn đi đâu mà không được”. Nói rồi đưa ra cuốn Đạo Đức Kinh gồm năm nghìn ba trăm sáu mươi ba chữ, dặn rằng: “Ngươi cứ theo phép mà tu, rồi sau đi qua nước Thục, tìm ta tại Thanh Dương Tứ[1] ”. Nói rồi nhảy lên mây, hiện hào quang, ngồi trên xe trắng, trâu xanh kéo xe bay đi. Doãn Hỷ làm lễ, trông theo thầy mà khóc ròng. Rồi cứ xem kinh mà tu hành theo phép, lâu ngày thông thái đặt thêm cuốn kinh ba mươi sáu bài gọi là kinh Tây Thăng.

Đến ngày hẹn với Lão Tử,Doãn Hỷ qua nước Tây Thục, hỏi thăm chợ Thanh Dương mà tìm thầy, không ai biết chợ ấy mà chỉ, vì không có chợ nào tên Thanh Dương.

Nói về Lão Tử, từ khi về thiên cung, năm sau đầu thai vào nhà họ Lý tại Tây Thục là nhà có đức lớn. Khi sinh được ít tháng, có có con dê xanh đến giỡn chơi với em bé. Ấy là Lão Tử dặn thanh ngưu hiện xuống. Ngày kia con dê xanh chạy mất, em bé cứ khóc hoài, ông chủ cưng con, sai đầy tớ kiếm được thanh dương dắt ngang qua chợ. Doãn Hỷ trông thấy mừng rỡ bàn rằng: “Chợ có dê xanh là Thanh Dương Tứ, chắc thánh sư ở tại chốn này”. Nghĩ rồi hỏi thằng nhỏ rằng: “Ngươi dắt con dê ấy đi đâu vậy?”. Thằng đầy tớ nói: “Chủ tôi sinh một người con trai, cách ít tháng có con dê này tới giỡn với tiểu chủ. Hôm nay nó đi mất, tiểu chủ cứ khóc hoài, nên chủ tôi sai đi kiếm”. Doãn Hỷ đi theo gần tới nhà dặn rằng: “Ngươi vào trước thưa với tiểu chủ, nói có Doãn Hỷ đi tìm”. Thằng đầy tớ nực cười, nghĩ thầm rằng: “Con nít mới thôi nôi, biết chi mà báo tin”. Liền bước vào nhà vừa nói vừa cười: “Có Doãn Hỷ tìm cậu!”. Em bé nghe nói, vùng ngồi dậy, lấy áo mặc vào và nói rằng: “Doãn Hỷ y lời không đến trễ”. Kế đó Doãn Hỷ bước vào, thấy em bé lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng chói. Nội nhà ai nấy đều kinh hãi, người ấy nói: “Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa!”. Doãn Hỷ mừng rỡ lạy mà thưa rằng: “Không ngờ tôi có phước gặp thầy tại chốn này”. Lão Tử nói: Lúc trước ta chẳng dắt ngươi theo, là sợ tu không bền chí, nay ngươi tu luyện đã kỹ lưỡng, hào quang ẩn ẩn muốn hiện, có thể niệm chú gọi thần tiên xuống hầu. Phong Doãn Hỷ chức Nguyên Thủy chưởng giáo, coi cai trị tám vạn thần tiên, lại truyền phép nội nhà tu luyện, hơn trăm nhân khẩu đều thành tiên.

Đời vua Châu Kinh Vương năm thứ mười bảy, Khổng Tử qua nước Châu hỏi Lão Tử về đạo đức lễ nghi. Lão Tử nói rằng: “Những người ông nói đó,thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Vả lại người quân tử gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân đất. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỹ vật quý, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dung mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòn đa dục, cái lòng hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có giúp gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”. Phu Tử lui về khen rằng: “Điểu, ngô tri kỳ năng phi; ngư ngô tri kỳ năng du; long tại phong vân chi trung, ngô bất tri kỳ cao hạ. Lão Tử vi kỳ long. Nghĩa là: Ta biết con chim bay; ta biết con cá lội; chứ con rồng trong mây gió, ta khó biết cao thấp. Lão Tử như con rồng vậy.

Đời Liệt Vương năm thứ ba, Lão Tử đến nước Tần nói chuyện với Hiến Công rồi về.

Đời Noãn Vương năm thứ chín, Lão Tử hiện thân tại núi Côn Lôn là cảnh cũ tại cung Huyền Đô (cung Đâu Xuất).

Đời Tần, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.

Đời Hán vua Văn Đế, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu là Quảng Thành. Vua mộ đạo cho sứ đi rước. Thầy Quảng Thành nói: “Lẽ nào không đi tới, mà sai sứ rước thầy, sao gọi là trọng đạo?”. Sứ thần về tâu lại. Vua Hán Văn Đế ngự đến phán hỏi rằng: “Ở trong đất nước tôi là vua, thầy tuy đắc đạo nhưng cũng là dân của trẫm, sao không chịu phục, lẽ nào làm kiêu như vậy. Hay là nói trẫm làm họa phước không được chăng?”. Thầy Quảng Thành nghe nói, bay lên một trăm thước, ngồi trên không ngó xuống nói rằng: “Nay trên chẳng tới trời, dưới không tới đất, giữa chẳng theo người, nào có phải dân của ai, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao được!”. Văn Đế biết lỗi, xuống xe làm lễ, xin được truyền đạo, thầy Quảng Thành cho một cuốn kinh. Sau qua đời Hán Thành Đế, Lão Tử giáng sinh tại suối Khúc Dương truyền phép cho Vu Kiết.

Đời An Đế, Lão Tử truyền cuốn Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên, tới đời vua Trinh Đế xuống truyền cuốn kinh Bắc Đẩu cho Trương Thiên Sư.

Đời Hoàn Đế xuống núi Thiên Thai truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên tiên sinh. Hán Minh Đế, Lão Tử xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư lần nữa. Qua đời Đường Cao Tổ, Lão Tử xuống truyền đạo cho Đường Công tại núi Vương Giác.

Đời Tống có xuống động Hoa Dương truyền kinh Độ Mạng cho Lương tiên sinh…

Đời nào ngài cũng giáng thế độ người không kể xiết. Trong sử nói: Khi Lão Tử lên mây bay qua Tây Vức, vua Chiêu Vương thấy hào quang ngũ sắc chiếu tại cung Tử Vi. Tức thì truyền chỉ hỏi quan Khâm Thiên Giám có điềm chi chăng? Khâm Thiên Giám tâu rằng: “Điềm thánh nhân về hướng Tây, một nghìn năm nữa mới trở lại Trung Hoa”. Quả thật một nghìn năm sau, đến đời vua Hán Vĩnh Bình, đạo Phật vào Trung Hoa, nên Phật, Lão hai đạo không khác nhau bao nhiêu.

Đời Đường Cao Tổ, ở Phổ Châu có một người tên là Thiên Hành đi ngang núi Dương Sơn gặp một ông già mặc áo trắng nói rằng: “Ngươi về tâu với Đường thiên tử rằng: Thái Thượng Lão Quân là ông nội của hắn” (Bởi Lão Tử thành tiên lấy hiệu là Thái Thượng Lão Quân). Đường Cao Tổ hay tin ấy, lập miếu mà thờ. Sau đến đời Đường Cao Tông tôn hiệu là Huyền Nguyên hoàng đế. Sau có vua Minh Hoàng giảng kinh Đạo Đức.

Đời Tống vua Chân Tông phong hiệu Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Chí Đức hoàng đế.

Còn ông Huyền Khưu tiên sinh là người đời thượng cổ, luyện thuốc trường sinh, đến đời Thương đã dư nghìn tuổi. Có truyền thuốc cho em là Khương Nhược Xuân, ba trăm tuổi trông như trẻ con mới lên mười. Sau dạy ông Bành Tổ học theo sống tám trăm tuổi.

Nhắc lại đời Châu, tiếp với chuyện Lý Ngưng Dương tầm sư học đạo. Khi ấy Huyền Khưu tiên sinh đến Họa Sơn đàm đạo với Lão Tử, xảy thấy có một ngọn thanh phong. Lão Tử hỏi Huyền Khưu rằng: “Ông biết gió ấy là điềm chi chăng?”. Huyền Khưu thưa rằng: “Chắc có người sắp thành tiên đến đây!”. Lão Tử nói: “Ta biết Lý Ngưng Dương sắp thành tiên và là người đứng đầu trong sổ tiên”. Nói rồi truyền tiên đồng ra ngoài núi mà đón. Xảy thấy một đạo sĩ đi tới, hai tiên đồng hỏi rằng: “Phải ông là Lý tiên sinh đó chăng?”. Lý Ngưng Dương hỏi lại: “Sao hai người lại biết tôi?”. Hai tiên đồng nói: “Chúng tôi vâng lệnh Lão Quân đi đón thầy”. Lý Ngưng Dương mừng thầm, chắc mình có phước, liền tạ ơn hai tiên đồng rồi theo vào ra mắt Lão Quân. Thấy Lão Quân hào quang chói sáng, dung nhan tươi nhuận như tiên đồng, duy tóc râu thì bạc trắng, Huyền Khưu cũng vậy. Lý Ngưng Dương quỳ lạy. Hai ông đáp lễ mời ngồi. Lý Ngưng Dương quỳ lạy và thưa rằng: “Đệ tử tầm sư học đạo, lẽ nào dám ngồi, xin chờ thầy dạy bảo!”.

HỒI THỨ HAI

Hai tiên tỏ lòng truyền đạo

Một mình dạo núi gặp thầy

Lão Tử nói: “Ngươi hãy ngồi ta nói cho mà nghe: Học đạo cho minh, lẳng lặng làm thinh, đừng lo đừng ráng, cho tịnh cho thanh, chẳng nên nhọc sức, chớ khá tổn tinh, giữ được tính tình là thuốc trường sinh”. Lý Ngưng Dương mừng rỡ tạ ơn và lạy Huyền Khưu nữa. Huyền Khưu nói: “Ngươi có tên trong sổ tiên, đứng đầu danh sách. Cứ về tu như vậy thì sẽ thành tiên”. Nói rồi truyền tiên đồng đưa Lý Ngưng Dương xuống núi.

Từ khi về động, Lý Ngưng Dương y theo lời Lão Tử luyện hoài. Không bao lâu nhẹ mình thanh thoát, Dương Tử đến thấy vậy mộ đạo, xin ở học hành; Lý Ngưng Dương cũng chỉ dạy.

Ngày kia hào quang chiếu qua cửa sổ, Lý Ngưng Dương nói: “Chắc có thần tiên giáng hạ”. Nói rồi lên núi, thấy con ó đậu trên cao, Lý Ngưng Dương than rằng: “Con gà nuôi trong chuồng tuy sẵn lúa ăn, nước uống, song gần chốn hiểm nghèo sao bằng chim ưng không ai nuôi mà thong thả”. Xảy nghe tiếng hạc, trông lên thấy Lão Tử và Huyền Khưu, hai ông cưỡi hạc bay xuống. Lý Ngưng Dương lạy mừng, Lão Tử cười rằng: “Hôm nay tinh thần hơn trước!”. Lý Ngưng Dương rước hai vị vào động, Lão Tử nói: “Ta xem ngươi xuất hồn đã được. Vậy thì mười hôm nữa sẽ xuất hồn dạo các nước với ta?”. Nói rồi giã từ cưỡi hạc bay đi. Lý Ngưng Dương khen ngợi vô cùng.

Cách chín ngày sau, Lý Ngưng Dương dặn dò học trò là Dương Tử rằng: “Thầy thiếp bảy ngày không về thì hãy đốt xác thầy, nếu chưa được bảy ngày thì phải giữ xác cho kỹ càng”. Dặn rồi liền thiếp.

HỒI THỨ BA

Dương Tử đốt xác sư phụ

Lý Huyền nhập xác bần nhân

Khi ấy Dương Tử giữ xác thầy ngủ không ngon giấc, tính đã được sáu ngày. Xảy có thân nhân đến báo tin rằng: Mẹ bệnh ngặt nghèo, gần tắt hơi, trông về để thấy mặt mà chết. Dương Tử khóc lớn than rằng: “Thầy thiếp hồn chưa về, nếu ta đi ai giữ xác thầy, bằng ở đây không thấy mặt mẹ thảm biết chừng nào!”. Người ấy hỏi rõ việc đi thiếp, rồi nói rằng: “Xác người nằm đã sáu ngày, ngũ tạng cũng hư hết, lẽ nào sống lại được! Vả lại thầy có dặn bảy ngày thiêu xác, chắc sẽ thành tiên. Nay sớm ngày mà thiêu chắc cũng không lỗi. Thà thiêu xác thầy mà được thấy mặt mẹ, thì khỏi lỗi cả hai”. Dương Tử phân vân chưa quyết, song túng thế phải nghe lời. Dùng hoa quả và hương đăng tế thầy rồi thiêu xác. Khóc và đọc bài thơ vắn như vầy:

Mẹ bệnh đã hầu kề,
Thầy đi thiếp chưa về
Mẫu thân tình một thuở,
Sư phụ nghĩa nhiều bề
Vẹn thảo nên quyền biến,
Lỗi nghì luốn ủ ê
Hồn linh xin chứng chiếu,
Khoái lạc chốn non tiên.

Khóc rồi liền nhanh chóng về nhà, mới tới cửa thì mẹ đã tắt hơi, thật là … lỗi hết cả hai, đã bất nghĩa lại không toàn hiếu sự.

Nói về Lý Ngưng Dương, hồn thiếp theo Lão Tử, dạo khắp các nước, rồi qua núi Bồng Lai, lại đến các động thần tiên ra mắt đủ mặt. Đến bảy ngày xin về. Lão Tử cười rằng: “Nghe bài kệ này thì rõ”. Nói rồi ngâm rằng:

Tịch cốc ăn lúa mì,
Đường quen xe phơi phới
Muốn tìm cốt cách xưa,
Lại gặp mặt mày mới

Lý Ngưng Dương từ tạ ra về, nghĩ bài kệ không hiểu, khi hồn về tới động, không thấy học trò, coi lại xác đã hóa tro bụi. Giận học trò bất nghĩa, không y lời dặn, chưa đến bảy ngày đã thiêu xác mình, làm hại không chỗ mà nhập. Hồn bay phản phất đến chân núi, xảy thấy ăn mày nằm dựa bên đường, chân bị cùi mà có một gậy. Lý Ngưng Dương nghĩ lại bài kệ, biết là phần mình phải vậy chứ không nên trách học trò, liền nhập vào xác ấy. Vì cớ nào mà lão tử không bảo về trong lúc năm ngày, thật có ý để cho Lý Ngưng Dương bỏ xác chắc tuyệt sự hồng trần. Còn nhập vào thây ăn mày là mượn xác theo thế gian, chứ muốn biến thế nào cũng được, xác ấy để tu, mèo thấy sợ lắm.

Lý Ngưng Dương nhập hồn vào xác, ngậm nước phun cây gậy tre hóa ra gậy sắt. Bởi cớ ấy thế gian không biết căn cước tên họ, thấy cầm gậy sắt thì kêu rằng ông Thiết Quả, tục kêu Thiết Quày.

Khi ấy Thiết Quả đánh tay biết rõ công việc Dương Tử liền than rằng: “Bởi mẹ nó ngặt mình, nên túng phải thiêu xác ta. Lại vì thiêu xác ta lâu nên không thấy mặt mẹ nó. Vậy thì đem bầu thuốc này đến cứu tử, kẻo nó tức tối cả đời”. Nghĩ rồi chống gậy sắt, mang bầu thuốc mà tới nhà Dương Tử. Thấy Dương Tử ôm quan tài khóc ngất một hồi rồi rút gươm định tự vận. Thiết Quả nhảy lại nắm gươm nói rằng: “Sống thác là lẽ thường, tất cả đều có số mệnh. Phàm đạo làm con, sống nuôi cho phỉ tình, thác chôn là đủ lễ, chết theo mà bỏ tang phó cho ai, thật là vô ích lắm!”. Dương Tử thuật chuyện sở bức, rồi nói rằng: “Bởi cớ ấy nên tôi lỗi hẹn với thầy lại mất thảo với mẹ, còn sống làm chi?”. Nói rồi quyết tự vận lần nữa. Thiết Quả can rằng: “Ngươi ở được như vậy là trọn đạo với thầy, lại vẹn thảo với mẹ, nên trời khiến ta đến đây cho thuốc tiên mà cứu mẹ ngươi. Ngươi hãy giở nắp quan tài, cạy miệng mẹ ngươi mà đổ thuốc”. Nói rồi lấy một hoàn thuốc trong bầu đưa ra, bảo Dương Tử hòa với nước mà đỗ cho mẹ.

HỒI THỨ TƯ

Linh dược tự nhiên cứu mạng

Thanh ngưu kinh hãi xuống phàm

Dương Tử y lời, đỗ thuốc vào, giây phút bà mẹ hắt hơi thở được, ngồi dậy thở dài, xem lại thấy mạnh khỏe hơn xưa, đỏ da thắm thịt. Nội nhà mừng rỡ vô cùng. Dương Tử lạy thưa rằng: “Xin tiên ông cho tôi biết hiệu!”. Thiết Quả nói: “Ta là Lý Ngưng Dương, thầy của ngươi đó. Vì ngươi đốt xác nên thầy phải nhập vào thân ăn mày, lo ngươi oán ta nên đến cứu tử. Cứ như lời ngươi nói thì phải mười phần, thầy chẳng hề chấp. Nay ngươi hiếu thảo với mẹ cho phỉ tình. Ta cho ngươi một hoàn thuốc này, uống vào sống lâu lắm, thầy trò gặp mặt sau này. Dương Tử cúi đầu lạy, chưa kịp hỏi thăm, Thiết Quả đã biến mất.

Sau mẹ Dương Tử sống rất thọ. Khi mẹ mãn phần Dương Tử chôn cất tử tế, mãn tang rồi tìm đến chỗ Thiết Quả ở khi trước mà tu. Đến khi Thiết Quả về, Dương Tử cũng đắc đạo theo tiên. Tính từ lúc cứu mẹ đến khi đắc đạo là hai trăm năm có lẻ.

Khi Thiết Quả biến hóa về Họa Sơn hầu hạ Lão Tử. Lão Tử nói: “Vậy mới chắc thành tiên, không lo trở lại cõi thế”. Cười rồi truyền dọn tiệc đãi đằng mà ăn mừng cho Lý Thiết Quả.

Mãn tiệc Lão Tử đi dạo. Thiết Quả nói với các tiên đồng rằng: “Chúng ta cưỡi thử con thanh ngưu mà đi dạo một hồi, xiềng nó hoài tội nghiệp”. Hai tiên đồng cũng nghe lời. Lý Thiết Quả mở khóa, mở xiềng, quyết lên lên mà cưỡi. Chẳng ngờ thanh ngưu thấy bộ dạng Thiết Quả dữ dằn, nó hoảng kinh giật dây nhảy đại. Thiết Quả và hai tiên đồng đuổi theo không kịp, tìm nữa ngày vẫn bặt tin. Ba người cứ tránh nhau mãi.

Đến khi Lão Tử về hỏi chuyện chi mà cãi vã với nhau? Tiên đồng thưa rằng: “Thiết Quả với hai tiểu đồng kia, bày đặt cưỡi thanh ngưu …”. Lão Tử quở rằng: “Năm trước thanh ngưu trốn xuống trần phá chúng, nên ta xiềng nó không thả ra. Nay các ngươi vì ham chơi mà hại thiên hạ, không biết nó quấy nhiễu dưới thế gian ra sao nữa?”. Nói rồi phạt đòn hai tiên đồng; đày Thiết Quả xuống trần lập công làm phước mà chuộc tội. Chừng nào mãn hạn mới được về.

Còn thanh ngưu giật dây chạy xuống phàm, như cọp về non, rồng về biển. Ngó thấy Tần Vương đang dự hội, đàn ca thanh thót, nữ sắc nhởn nhơ, thanh ngưu nghĩ rằng: “Cũng nên vào đây mà hưởng khoái lạc”. Nghĩ rồi tàng hình vào cung đem Tần Vương bỏ trên gành Cù Tòng, cách hai mươi dặm. Hoàng hậu hãi kinh truyền chỉ tìm vua mà chưa được. Giây phúc lại thấy Tần Vương vào cung, các cung nữ chưa từng gặp vua nên không rõ, có một mình hoàng hậu biết chẳng phải vua thật. Vì cử chỉ, tiếng nói, tướng đi đều không giống với nhà vua khi trước, nên truyền chỉ nói trong cung có yêu quái, bá quan không rõ cớ gì. Hoàng hậu cứ nói người ấy không phải vua, đó là yêu quái. Bá quan xem không khác chút nào, vì thấy hoàng đế lâm triều như trước. Xảy có quan Khâm Thiên Giám vào tâu rằng: “Thần thấy có yêu quái phạm vào sao vua”. Tần Vương giả làm thinh không nói lại, bá quan biết là yêu quái, chắc hoàng thượng này là yêu quái. Bãi chầu các quan lui ra, thương nghị riêng, treo bảng tìm vua.

Không bao lâu có ông tiều đến xem bảng báo tin rằng: “Tại trên gành Cù Tòng có một vị ăn mặc sắc phục hoàng đế đang kêu khóc bảo cứu giá”. Các quan hay tin đều đến bảo giá. Tần Vương giả nổi giận, giam hoàng hậu vào lãnh cung, các cung nữ thất kinh, chịu phép không dám nói theo hoàng hậu.

Còn bá quan đến gành Cù Tòng, thấy vua ngồi trên gành xuống không được. Bá quan truyền tướng giỏi leo lên để vua ngồi trong sọt lớn, cột dây thả xuống. Bá quan xúm lại tâu rằng: “Chẳng hay vì có nào mà Bệ hạ mắc nạn như vậy?”. Tần Vương nói rằng: “Đêm hôm trước lúc canh hai, trẫm thấy một người đầu trâu, vào cung cõng trẫm đem bỏ trên núi”. Các quan tâu rằng: “Con quái ấy hiền giờ đang giải hình Bệ hạ ở trong cung, hoàng hậu nói nó là yêu quái, nó đã truyền nhốt hoàng hậu vào lãnh cung, chúng tôi chẳng dám nghịch ý”. Tần Vương phán rằng: “Vậy thì bá quan dẫn ngự lâm quân, vào bắt nó mà xử trãm”. Bá quan tuân chỉ dẫn binh đi trước, Tần Vương theo sau. Mới tới cửa cung, có một tiếng thét vang, thanh ngưu hóa lửa đốt các quan chạy trối chết, Tần Vương lui vào thái miếu mà trốn với các quan. Lại phán rằng: “Yêu quái thần thông như vậy, quan binh địch không lại biết tính làm sao bây giờ?”. Bá quan tâu rằng: Ở xa xa có miếu bà Cửu Thiên Huyền Nữ, ai có tai nạn chi cầu khẩn, bà cũng giải cứu. Nay xin Bệ hạ đến đó mà cáo việc yêu quái phạm vào cung, lẽ nào bà chẳng trừ nó?”. Tần Vương y lời, ăn chay, tắm gội sạch sẽ, đem lễ vật đến miếu mà cầu. Đốt hương, dâng sớ rồi lui về chốn cũ.

HỒI THỨ NĂM

Tần Vương cầu thần Huyền Nữ

Thiết Quả thử ý Trưởng Phòng

Còn bà Cửu Thiên Huyền Nữ xem sớ thấy nói rõ là yêu quái đầu trâu, thì nghi con thanh ngưu của Lão Tử, liền đằng vân xem lại không sai. Liền than rằng: “Sao Lão Quân sơ ý quá để thanh ngưu xuống phá thế gian, nếu ta trừ nó bây giờ chắc Lão Quân trách cứ”. Nghĩ rồi liền viết thư, sai sứ đem cho Lão Tử. Còn Cửu Thiên đi ứng mộng…

Rạng ngày Tần Vương phán rằng: “Hôm qua trẫm chiêm bao thấy một người con gái bảo mai đem binh đi đánh với yêu quái ấy, có người giúp sức cho. Nói rồi nạt một tiếng trẫm giật mình thức dậy, chẳng hay điềm ấy đáng tin chăng?”. Bá quan tâu rằng: “Chắc là bà Cửu Thiên ứng mộng đó, xin Bệ hạ điểm binh”. Tần Vương y tấu, điểm binh năm mươi vạn vây cung.

Nói về Lão Tử đang kêu Từ Giáp, hỏi xem có biết tin thanh ngưu chăng? Kế đó có sứ của Huyền Nữ đem thư. Lão Tử cho vào ra mắt. Sứ dâng thư, Lão Tử thấy như vầy: Đạo trưởng ở cung thánh, con thanh ngưu xuống phá Đại Tần đã lâu, vì cớ nào mà không thu trở lại?”. Lão Tử đọc thư rồi than rằng: “Không dè súc sinh làm lộng quá!”. Nói rồi dặn sứ rằng: “Ta chẳng kịp viết thư. Ngươi về bạch với Cửu Thiên, ta đã sai thằng chăn trâu đi bắt nó”. Sứ về rồi, Lão Tử đưa bùa cho Từ Giáp, truyền đem xích sắc bắt thanh ngưu.

Nói về Tần Vương giả thấy binh vây cung, cũng hóa lửa mà đốt như trước. Xảy đâu Huyền Nữ từ trên không đáp xuống, chỉ gương vào Tần Vương giả, Tần vương giả hiện nguyên hình là thanh ngưu, quan quân đều lấy làm lạ. Xảy thấy một người con trai đến nạt một tiếng, rồi lấy bùa ném vào thanh ngưu, thanh ngưu chịu phép đứng yên cuối đầu, không dám chống cự. Người ấy xở dây vào mũi xiềng chân nó lại, cả hai bay về hướng đông. Tần Vương vào đền tạ ơn Huyền Nữ, rồi truyền rước hoàng hậu khỏi lãnh cung, chồng vợ sum vầy, chúa tôi mừng rở, mở tiệc khao binh thưởng tướng. Rồi lo làm miếu bà Cửu Thiên. Từ ấy về sau Tần Vương bãi việc ăn yến.

Nói về Lý Thiết Quả bị đọa xuống trần, hóa thành ông già mang bầu thuốc đi bán tại chợ, không biết tên họ cứ kêu là Hồ Công nghĩa là Ông Bầu. Từ khi đến chợ Nhữ Nam, ai có bệnh chi uống thuốc cũng mạnh. Đến tan chợ, Hồ Công treo bầu trước nhà dài, biến vào trong bầu không ai ngó thấy.

Ngày kia ông Phí Trưởng Phòng làm quan nơi ấy ở trên lầu ngó xuống thấy Hồ Công làm như vậy lấy làm lạ lùng. Đợi Hồ Công ra ngoài, liền đến ra mắt đàm đạo. Hồ Công nói: “Vậy thì mai hãy đến đây nói chuyện”. Phí Trưởng Phòng y lời, Hồ Công hôm sau nắm tay Phí Trưởng Phòng nhảy vào bầu, thấy lâu đài rực rở, đồ ăn thức uống đủ đầy món ngon vật lạ. Từ ấy hai người thường thù tạc vãng lai.

Ngày kia Hồ Công đến. Phí Trưởng Phòng, dắt lên lầu đàm đạo, Hồ Công nói: “Ta thật là tiên phạm tội bị đọa xuống phàm. Bấy lâu ta cho thuốc cứu người cũng lần lần tiêu tội. Bây giờ mãn hạn nên ta đến đây từ biệt ngươi mà về. Vậy ta để lại cho ngươi bầu rượu nhỏ dưới lầu, gọi là dấu kỷ niệm”. Phí Trưởng Phòng bảo gia tướng xách bầu rượu lên lầu mà không ai xách nổi, xúm lại đến mười người khiên cũng không lên. Hồ Công mỉm cười, bước xuống lấy hai ngón tay nhấc lên nhẹ nhàng. Coi rượu không đầy một tô, mà hết rồi có thêm hoài, tối ngày không hết. Phí Trưởng Phòng năn nỉ xin theo, lại lo nỗi người nhà bó buộc. Hồ Công chặt một cây tre, đo chiều cao bằng Phí Trưởng Phòng, tề không sai một ly, bảo cuộc dây trên đầu khúc tre ấy mà treo sau nhà. Ai nấy đều thấy Phí Trưởng Phòng thắt cổ treo tòn ten tại đó, cùng nhau tháo dây xuống cứu không được, cuối cùng phải tẩn liệm khóc than mai táng đàng hoàng. Phí Trưởng Phòng đứng một bên làm như không ngó thấy.

Khi ấy Phí Trưởng Phòng yên lòng theo Hồ Công lên núi, giẫm gai đạp sỏi, gặp beo cọp như mèo. Hổ Công bảo Trưởng Phòng ở một mình Trưởng Phòng cũng không sợ. Hồ Công làm phép treo khối đá rất lớn trên lều cỏ của Trưởng Phòng, khối đá ấy nặng muôn cân có lẻ, xảy có bầy cọp chạy giởn nhảy lên khối đá, cắn dây treo. Trưởng Phòng cũng không nao, cứ y lời thầy dặn ở đâu sống thác cũng ở đó.

Ít ngày Hồ Công đến viếng khen rằng: “Nhà ngươi dễ dạy lắm”. Nói rồi bắt con giòi bảo ăn, Trưởng Phòng gớm giếc nên rùng mình ủ mặt. Hồ Công nói: “Phải ngươi chịu nghe chuyện này, thì ta truyền đủ phép. Ngặt vì người thối chí nên chẳng biết làm sao”. Phí Trưởng Phòng ngã lòng xin về. Hồ Công cho một cây gậy tre và dặn rằng: “Cưỡi cây gậy này đi giây lát thì tới nhà. Rồi gói nó vào cái khăn có lá bùa này; sau đi nữa cũng được đấy. Ấy là phép hóa rồng”. Lại cho một lá bùa, sai thần và thấy quỷ. Phí Trưởng Phòng tạ từ cưỡi gậy tre bay như gió ước chừng ba khắc tới nhà. Lấy gậy tre để trên cái khăn, … đã hóa ra con rồng nhỏ. Phí Trưởng Phòng mừng lắm, luôn cất các vật ấy trong mình. Bước vào nhà ai nấy đều kinh hãi tưởng rằng Phí Trưởng Phòng hiện hồn, Trưởng Phòng thuật chuyện, ai nấy đều không tin. Trưởng Phòng bảo đào mã thử coi, thật lạ lùng trong hòm chỉ còn một đoạn tre với đồ tẩm liệm. Ai nếu đồng nói: “không lẻ tiêu xương”. Trưởng Phòng nói: “Ta mới đi mười ngày làm sao tiêu xương cho được”. Từ đó về sau Trưởng Phòng trị bệnh tài lắm, vì thấy quỷ thần, nhiều khi đánh ma khóc la vang trời, khi sai quỷ đi xa mua đồ ăn đãi khách, nội trong một khắc đã có đồ về. Lại nhiều khi một ngày mà năm bảy cái chợ thấy Phí Trưởng Phòng đi dạo. Hỏi vì cớ nào vậy. Trưởng Phòng nói: “Tôi có cây gậy thu đường, nên muốn đi đâu thì tới đó”.

Nói về Hoàng Kiển học đạo với Phhí Trưởng Phòng. Ngày kia Phí Trưởng Phòng nói với Hoàng Kiển rằng: “Ngày mồng chín tháng chín tới đây, gia đình nhà ngươi sẽ mắc họa lớn, ngươi phải sửa soạn trước, đếm trong nhà có mấy người thì lấy mấy cái túi đỏ đựng hạt Ngô Thù Du , một loại tiêu, mà đeo vào cánh tay, nam tả nữ hữu, cho kịp khua mồng tám, đồng rời nhà mà đi lên núi, đợi tối mồng chín hãy về”. Hoàng Kiển vâng lời, đến mồng chín đồng về, thấy trâu, dê, gà, vịt trong nhà bị dịch chết sạch. Hoàng Kiển thưa lại. Phí Trưởng Phòng nói: “Ấy là chúng nó chịu nạn thế cho gia đình ngươi đó”.

Sau Phí Trưởng Phòng làm lộn lá bùa, bị quỷ hại chết. Đó là: Sinh nghề tử nghiệp.

Nói về Hồ Công là Thiết Quả mãn hạn về lạy Lão Quân. Lão Quân cho phục chức tiên thứ nhất. Thiết Quả hay lên theo lũ ăn mày, ai thấy cũng xa lánh. Ngày kia gần dâng cỗ trong một ngôi miếu, tên dân canh miếu ấy, khuya đó nghe tiếng nói nhỏ như vầy: “Ngày mai có người ăn mày một chân là Thiết Quả lão tiên, chúng ta đi coi cho biết”. Sau đó là tiếng “Ừ” của người khác. Tên dân canh lén nhìn khắp trong miếu, không thấy ai, biết là cốt hai tên tiểu đồng giữ cửa đã thành tinh, nên nói chuyện như vậy. Định tâm đợi ngày mai,xem như thế nào. Quả thật thấy có một người ăn mày một chân đi xem dâng cỗ. Tên dân canh lạy mà xin độ mình, Thiết Quả nói: “Vì có nào mà ngươi biết ta?”. Tên dân canh thưa thật như vậy. Thiết Quả nói: “Ngươi đi theo ta được, thì độ ngươi thành tiên”. Nói rồi dắt tên ấy lại một cái lò lớn, cào than ra mà đi. Tên dân canh sợ bỏng lửa không dám theo, Thiết Quả liền đi mất. Tên dân canh đi tìm hơn nửa ngày mới gặp, cũng cứ việc lạy hoài. Thiết Quả nói: “Ngươi hãy về lấy hai cái đinh, mà đóng vào chân hai đồng tử thành tinh. Rồi mai đến cầu này phải làm gan nhảy xuống ghe nhỏ thì thành chiếc thuyền, ta đợi ở đó”. Tên dân canh y lời. Đêm ấy hai đồng tử khóc than thảm thiết, oán kẻ dân canh làm hại mình.

Rạng ngày tên dân canh đến cầu Tây Kiều đợi từ giờ thìn đến ngọ, chảy thấy Thiết Quả, có một chiếc xuồng nhỏ quá trôi đến tấp dựa vào cầu. Tên dân canh nghĩ bước xuống thì chắc chìm, nên đứng trên cầu mà ngó mãi, xảy thấy Thiết Quả đến hỏi rằng: “Thuyền ghé đã lâu, sao không nhảy xuống?”. Tên dân canh nói: “Chiếc xuồng không đủ chỗ ngồi, chở tôi sao nổi?”. Thiết Quả nói: “Ngươi không có chí khí, úy tử tham sinh, ta độ thành tiên sao được?”. Nói rồi nhảy xuống thuyền thả trôi theo sóng, giây phút biệt tăm. Tên dân canh lấy làm tức mình, ăn năn không kịp. Còn Thiết Quả đi kiếm người hiền đức mà độ theo tiên.

HỒI THỨ SÁU

Chung Ly vâng chỉ đánh Phiên

Bất Dựt ỷ tài cự Hán

Bây giờ nói về một vị họ Chung Ly làm đại tướng đến phong hầu, oai danh rất lớn, quê ở đất Yên Đài, làm tôi nhà Hán. Vợ chồng hiền lành, nên sinh con quý. Khi phu nhân lâm bồn, hào quang chiếu đỏ trên nóc nhà như lửa cháy, ai nấy đều kinh; kế đó sinh được một trai khác thường, mới chào đời trong giây phú, lớn bằng con nít lên ba, mặt đỏ, môi son, mày dài như phết mực, thiên đình rộng, tai lớn mũi cao, mắt sâu miệng rộng. Lạ thay lúc sinh ra không khóc và không bú tới sáu ngày. Hôm sau bỗng nói lớn như: “Mình ở cung tiên đầu thai xuống đây”. Đặt tên là Quyền. Đến lớn làm chức tướng quân, võ nghệ như thần, oai danh hơn cọp.

Khi ấy triều đình thấy có sớ ngoài ải địa đầu viện binh vì có giặc Bắc Phiên, là Bất Dựt đại tài đánh thắng nhiều trận. Bởi giặc Bắc Phiên binh bá vạn, tướng mạnh trong đời đánh ải hãm thành phá dân hư hại. Hán thiên tử xem sở hãi kinh liền cử đại tướng Chung Ly Quyền làm nguyên soái, Phùng Dị làm phó tướng lãnh năm mươi vạn binh đi ứng tiếp. Vua thưởng ngự tửu xong rồi. Hai vị tạ ơn, điểm quân ra ải. Chung Ly Quyền nói với binh tướng rằng: “Từ xưa đến nay đại quốc phạt tiểu quốc, bây giờ Bắc Phiên hách dịch, dám phạm đến Trung Nguyên. Thật chê Hán Bang không người trí dũng. Lúc này binh tướng phải hết lòng giúp nước, lập công mà trả ơn vua. Hãy nghe hiệu lệnh căn dặn: Thứ nhất đừng động đến bá tính, phải giữ chữ thanh liêm; thứ nhì, ra trận nghe tiếng trống thì tới trước nếu lui thì xử trãm. Ráng sức cho thành công ban sư sẽ thăng thưởng”. Dặn rồi dẫn binh tới ải Kỷ Thủy đóng trại.

Rạng ngày hai bên ra trận, xưng tên xong rồi, Chung Ly Quyền thấy Bất Dựt bộ tướng mạnh bạo, cầm siêu đao trông giống thiên thần. Còn Bất Dựt thấy Chung Ly Quyền mặt đỏ tựa lửa, chân mày lưỡi mác, chống cây giáo dài mà nạt lớn rằng: “Trung Quốc đãi dị địch như con đỏ, chẳng dâng lễ cũng không chấp, bằng cống sứ thì hậu đãi mười phần. Sao ngươi quên ơn, dám xâm lăng ải Hán. Hay ngươi nghĩ rằng Trung Quốc không có binh vấn tội đó chăng? Thôi … ng … dung cho phải đem binh về nước. Nếu nghịch mạng thì chẳng toàn thân”. Bất Dựt đáp rằng: “Thiên hạ là của chung ai có tài thì lấy được. Hán đoạt của Tần đã lâu, nay Phiên lấy của Hán chẳng được sao? Ấy là lẽ thường không không lạ chi đó. Vả lại thiên hạ một thể nước nào như nước ấy, ai lại chịu cống lễ ho ai? Nay ta đã đem binh đến đây lẽ nào trở lại. Quyết một phen thắng bại cho biết thấp cao”. Chung Ly nguyên soái nổi giận đâm Bất Dựt một thương, Bất Dựt đưa siêu đao ra đở, đánh nhau tám mươi hiệp cầm hòa. Bất Dựt biết mình thắng không nổi liền trá bại. Chung Ly nguyên soái thừa thắng đuổi theo. Bất Dựt bắn lén, Chung Ly nguyên soái tránh khỏi, tên bay sát bên tai, Chung Ly nguyên soái liền chạy. Bất Dựt đuổi theo, Chung Ly nguyên soái phóng lại một cây thương. Bất Dựt tránh không kịp nên nên bị thương trên mặt, thất kinh chạy về, Chung Ly nguyên soái không theo nữa truyền lệnh thu binh.

HỒI THỨ BẢY

Chung Ly phá trận Phiên

Bất Dựt cướp dinh Hán

Khi ấy Chung Ly nguyên soái về trại nghĩ rằng: “Bật Dựt thật anh hùng, lấy sức mạnh chắc là khó thắng, ngày mai phải dùng kế mới xong”. Đêm ấy truyền hai vạn binh mai phục bốn phía, nghe pháo nổ làm hiệu lệnh, thì kéo ra bắt tướng Phiên. Lại truyền quân nấu cơm hồi canh tư để rạng đông giáp trận. Lại thêm đạo binh đề phòng Bất Dựt bại tẩu, thì đoạt ngựa xe khí giới và lấy dinh.

Còn Bất Dựt chạy về, điểm binh nhiều kẻ bị thương, mấy tên quân ấy cũng giống chủ tướng, Bất Dựt than rằng: “Chung Ly Quyền trí dũng kiêm toàn, chắc đấu lực không lại, mai ta sẽ lập trận bắt hắn mới được”. Nghĩ rồi truyền quân sắp đặt, nôi canh năm lập trận hoàn thành.

Rạng đông Chung Ly nguyên soái kéo binh ra, thấy binh Phiên lập trận trúng phép lắm, Chung Ly nguyên soái mới khen thầm rằng: “Ta ngỡ là Bất Dựt có sức mạnh mà t hôi, không dè lại tinh thông trận đồ nữa”. Nói rồi nhìn xem cho kỹ là trận Bát Môn. Liền Kêu phó tướng Phùng Dị rằng: “Ngươi biết trận chi đó chăng?”. Phùng Dị: “Tôi không biết”. Chung Ly nguyên soái nói: “Ấy là trận Bát Môn Kim Tỏa, phép phá trận ấy: Trước vào sinh môn là hướng cấn phía đông bắc, rồi trở ra khai môn mới được. Ngươi y lời đem binh phá theo phép, thì trận phải loạn, ta sẽ kéo binh tiếp ứng”. Phùng Dị vâng lệnh vào phá trận theo phép, binh Phiên đã rã rời, Phùng Dị kêu lớn rằng: “Lúc này đã gần thành công, binh tướng phải hết lòng ráng sức”. Kế đó Chung Ly nguyên soái xua binh tới phá trận tan tành, máy chảy thành sông, thây phơi chật đất. Bất Dựt bại tẩu, bị đoạt khí giới, cướp lương, thiếu chút nữa là mất trại.

Nguyên Chung Ly nguyên soái là tiên coi sổ, vì phạm tội phải đọa xuống trần, nên Lý Thiết Quả ngó thấy Chung Ly Quyền giao chiến với Bất Dựt khi nảy, Thiết Quả ở trên mây nghĩ rằng: “Chung Ly đã phải thời tu, sao còn mê say chinh chiến, thiếu chi người đánh giặc, mà mình phải nhọc công. Nếu để Chung Ly thắng trận, về triều phong thêm quan tước, thì sa đắm không tu, chi bằng khiến bại trận làm cho ngã lòng thì mới dễ độ”. Nghĩ rồi hóa ra môt ông lão qua dinh Bất Dựt.

Còn Bất Dựt từ khi bị phá trận mười vạn binh hết tám còn hai. Hết trí hết tài than dài than vắn. Xảy thấy có quân vào báo rằng: “Có một ông lão tướng mạo thần tiên xin vào ra mắt”. Bất Dựt lấy làm lạ, cho vào xem nói chuyện chi. Ông già vào bái. Bất Dựt hỏi rằng: “Ông đến tôi có việc chi?”. Ông ấy nói: “Tôi đến mừng cho tướng quân”. Bất Dựt nói: “Tôi bại trận hổ thẹn sầu thảm, có chuyện chi vui mà ông mừng?”. Ông ấy nói: “Tướng quân nói sai rồi, việc binh thắng bại là lẽ thường, trận này hỏng còn trận khác, lẽ nào thua một trận liền ngả lòng. Tôi xem sao biết thời Hán đã suy. Vả lại binh Hán thắng trận thì kiêu, chẳng đề phòng chi hết, vả lại tôi biết đêm nay bên dinh Hán bị hỏa hoạn, thừa dịp ấy mà cướp trại, chắc thắng mười phần”. Nói rồi giã từ đi mất, Bất Dựt truyền quân cơm nước hồi canh một, để canh hai đi cướp dinh. Tướng cạnh Tất Vật can rằng: “Sợ bên Hán sai gian tế giả dạng gạt mình, chẳng khá tin lời ông lão ấy”. Bất Dựt đáp rằng: “Ngươi nghi cũng phải, song ta đã quyết lòng. Vì ông ấy nói xem thiên văn, biết đêm nay dinh Hán bị cháy, chừng thấy lửa, mình sẽ kéo binh qua”. Nói rồi chia binh làm bốn đạo, lén đi mai phục chờ đợi.

Nói về Chung Ly nguyên soái thắng trận về thưởng tướng khao binh. Đến canh ba Phùng Dị thưa rằng: “Tuy Bất Dựt bại trận mặc lòng, binh còn đông lắm, phải phòng Phiên binh làm hỗn cướp dinh”. Chung Ly nguyên soái khen phải, truyền Phùng Dị tuần phòng nghiêm ngặt, còn mình thủ trại chỉnh tề. Chẳng ngờ nửa canh ba, Lý Thiết Quả đốt dinh, nổi gió trợ lực, tức thời lửa dậy đỏ trời, binh tướng chữa lửa không được. Kế đó Bất Dựt cướp dinh.

Thật là:

Nhà dột gặp mưa dai, thuyền len[2] lâm bảo lớn.

Chung Ly nguyên soái cầm giáo ra đánh với Bất Dựt mười hiệp, thấy quân binh chạy hết nên hãi kinh, lại không biết quân giặc đông hay ít. Tính thế cự không cự lại nên bại tẩu. Bất Dựt kéo binh đuổi theo rất gấp. Trong lúc nguy cấp thời may gặp Phùng Dị giúp đỡ. Thương con ngự của Chung Ly nguyên soái bị Bất Dựt bắn chết. Phùng Dị đoạt con ngựa khác của giặc cho Chung Ly nguyên soái cưỡi, ngó lại dinh Hán đã cháy rụi, lửa đỏ sáng như ban ngày. Chung Ly nguyên soái tức mình té nhào xuống ngựa chết giấc. Phùng Dị giật dậy giải khuyên. Chung Ly nguyên soái nói: “Thân ta là đại tướng vâng chỉ lãnh binh đánh Phiên, ngỡ là cứu nước giúp dân cho rạng danh tiết. Nào hay trời khiến cho thất trận chẳng những mắc tội với thánh chúa, lại hỗ mặt với đồng liêu thiệt trời giết ta, ta còn sống làm chi nữa”. Phùng Dị an ủi rằng: “Thắng bại là lẽ thường, xin nguyên soái đừng phiền muộn. Binh Phiên đuổi tớiđằng sau, xin nguyên soái lên yên trại trước, để tôi đoạn hậu[3] cho. Hãy về triều xin binh khôi phục”. Chung Ly nguyên soái ly lời. Phùng Dị đánh với Bất Dựt một hồi, Chung :Ly nguyên soái đã chạy mất. Phùng Dị vừa đánh vừa chạy. Bất Dựt ngã lòng vội thu binh về. Sau Phùng Dị về triều viện binh dẹp giặc.

HỒI THỨ TÁM

Chung Ly Quyền chạy lạc lên non

Lý Thiết Quả hóa hình dẫn lộ

Khi ấy Chung Ly nguyên soái chạy tới sáng, trong bụng đã đói, trên núi không nhà. Đi tới mặt trời chen lặn, không thấy nhà ai khôn tới khó lui, thở dài than vắn. Xảy thấy một ông sư nước Hồ mắt xanh, chống gậy đi tới, Chung Ly nguyên soái bái rồi thưa rằng: “Tôi là đại tướng nhà Hán đánh giắc Bắc Phiên bị bại trận nên lạc đường, xin thầy làm ơn chỉ nhà cho tôi tá túc!”. Hồ tăng gật đầu, dắt đi một hồi, chỉ xóm kia mà nói: “Đây là chỗ ông Đông Huê thàn tiên, tướng quân vào đó mà nghỉ”. Nói rồi đi thẳng như bay.

Còn Chung Ly nguyên soái đi vào trong xóm, ngó thấy cảnh lịch hoa thơm, phải chỗ thần tiên nương dựa, đến trước cửa động nghe tiếng ngâm thơ rằng:

“Việc thế chẳng đua tranh,
Thanh nhàn lánh lợi danh
Thân nương theo động đá
Tình gởi lại mây xanh
Chơi đạo say mùi đạo
Thung dung dưỡng tính linh
Hỏi ai là bạn tác
Gió mát với trăng thanh”

Nguyên là ông Lý Thiết Quả, trước giả làm sư mắt xanh mà dẫn đường, nay lại dặn ông Đông Huê truyền đạo. Ông ngâm thơ rồi chống gậy ra mở cửa động. Chung Ly nguyên soái nhìn thấy ông lão hình dung phi thường lắm, mặc áo trắng mở cửa hỏi rằng: “Ông phải là Chung Ly nguyên soái đại tướng nhà Hán chăng?”. Chung Ly nguyên soái hãi kinh thưa phải. Ông ấy hỏi: “Sao không ghé vào am mà nghỉ”. Chung Ly nguyên soái thưa rằng: “Tôi vâng lệnh chinh phạt thất trận; bại tẩu lên non, tìm không ra chỗ trọ. Nhờ gặp một lão sư chỉ đường lối mới đến đây, xin phương tiện lấy lòng từ bi, cho tôi tá túc!”. Ông ấy mời vào đãi cơm chay, rồi nói rằng: “Công danh như bọt nước giữa dòng, phú phú tựa ngọn đèn trước gió, từ xưa đến nay giang sơn nhiều chu, phước thọ ít người. Bởi bần đạo lớn tuổi hơn tướng quân nên từng trải một thời, quyết lánh vòng vinh hoa phú quý, hằng vui thú thanh nhàn, tuy chưa thành tiên cũng đã thoát tục, tướng quân cũng thừa dịp này mà tu tâm dưỡng tánh, còn ham phú quý làm chi?”. Chung Ly nguyên soái nghe nói hồi tâm, cũng muốn học đạo liền thưa rằng: “Chẳng hay luyện phép chi mà được sống lâu?”. Ông ấy nói: “Phép sống lâu có gì lạ, lòng phải trống mà bụng phải đặc”. Chung Ly nguyên soái nói: “Xin Tiên Ông cắt nghĩa cho rành!”. Ông ấy nói: “Trong lòng không lo việc chi cả, để thơ thới như không, ấy là trống lòng. Còn đừng theo việc sắc dục, vững tinh thần nguyên khí chẳng hao gọi là đặc bụng. Được như vậy thì thành tiên, lớn tuổi con chẳng già, lo chi không được trường thọ”. Chung Ly nguyên soái hiểu rõ, mừng rỡ thưa rằng: “Nhờ Tiên Ông chỉ dạy, xin lạy mà chịu làm học trò, xin thầy cho biết danh tính”. Ông ấy nói: “Ta là đạo sĩ thượng cổ nay thành tiên hiệu là Đông Huê”. Nói rồi truyền phép tu luyện trường sinh, và dạy phép chỉ đá hóa vàng, và truyền gươm Thanh Long chém quỷ.

HỒI THỨ CHÍN

Quăng gươm phép chém hùm

Hóa vàng ròng cứu chúa

Hôm sau Chung Ly nguyên soái lạy thầy từ giả, nhờ sư phụ chỉ đường về nhà. Chung Ly nguyên soái ngó thấy núi rừng, nhà cửa và thầy biến mất. Chung Ly nguyên soái biết thần tiên biến hóa độ mình, liền cải hiệu là Vân Phòng đi về nhà thăm gia quyến.

Khi trước nội nhà nghe nói Chung Ly nguyên soái thất trận biệt tin, ngỡ là tử tiết, nên gia quyến để tang. Nay thấy Chung Ly nguyên soái về, nội nhà mừng lắm. Hỏi thăm sự tích. Chung Ly Vân Phòngthuật chuyện lại. Gia quyến mừng rằng: “Khi mới sinh có điềm lành không lẽ thác về nghiệp dữ?”. Chung Ly Vân Phòngkhông dám ở lâu, sợ vua hay tin, mình có tội. Liền từ giã gia quyến mà đi tu. Đến viếng người anh ruột là Chung Ly Giảng, ông ấy làm chức lang trung, mà tính ưa thanh tịnh, nghe em nói chuyện đạo đức càng ngưỡng mộ mười phần, liền trốn theo em mà tu luyện. Chung Ly Vân Phòngđể hai vá bới như tiên đồng, anh em mặc áo đạo, tay cầm phất chủ đi lên núi Họa Sơn. Xảy thấy con cò đang … cổ, Chung Ly Vân Phòngnói với anh rằng: “Con cò cổ dài, le le cổ ngắn, không lẽ nào cắt bớt mà cang cho bằng? Việc đời cũng khó vừa lòng người như vậy … anh lợi người mến thanh nhàn”. Nói chưa dứt lời bỗng nghe tiếng ré vang, xem lại là người đang vây cọp. N.. một con cọp dữ hay bắt người. Cách ba hôm trước, một bà góa có đứa con trai mười hai tuổi, đi hái trái cây bị hùm bắt, mẹ nó nóng con vào thưa với quan huyện, quan cho quân lính vây cọp, lại có kẻ thợ rừng làm đầu, dùi .. giáo cái, ná lớn, gươm trần, xáng mã la vây phủ, chẳng ngờ cọp dữ quá, vớ hai người bị thương, quân lính kinh hãi dang ra, một thợ rừng tuy võ nghệ cao cường mà cự không lại. Còn cọp ngồi dựa núi thủ thế lườm lườm. Các người ấy ngó thấy hai thầy đạo sĩ đi tới. Ông mặt đỏ bộ dạng mạnh bạo lắm, đáng một vị tướng quân, đồng ước ao với nhau rằng: “Nếu thầy ấy trợ lực với mình thì trị cọp này như nháy mắt”. Thợ rừng nói: “Người tu hành hay cứu nhân độ thế, chắc là cầu được chẳng sai”. Cả bọn liền bước tới bái lạy Chung Ly Vân Phòngmà bạch rằng: “Cọp dữ hại dân rất nhiều, nên quan huyện sai chúng tôi đi trừ nó, ngặt sức yếu nên diệt nó không được, xin thầy trừ thú dữ mà cứu người!”. Chung Ly Vân Phòngchưa kịp trả lời thì Chung Ly Giảng nói: “Em có phép thần thông cũng nên chém cọp mà cứu dân!”. Chung Ly Vân Phònghét lên một tiếng, lấy gươm Thanh Long phóng liến, cọp hộc vang trời, rơi đầu xuống đất. Ai nấy đồng lạy tạ, hỏi thăm đạo cho tường, Chung Ly Vân Phòngcười mà chẳng nói. Thu gươm vào vỏ, anh em đi đồng đi thẳng. Đến núi Họa Sơn cất lều mà ở, tu hành đã hết một năm, song xuất hồn chưa được.

Ngày kia Vân Phòng đi dạo gặp dân nghèo khổ thì cảm mà hỏi vì cớ nào? Dân nghèo thưa rằng: “Bởi thất mùa nên trai tráng đi làm mướn nơi phương xa, còn già yếu thì đi xin qua ngày tháng”. Chung Ly Vân Phòngthan thở, về thuật chuyện với anh. Chung Ly Giảng nói: “Em biết chỉ đá hóa vàng, cũng nên cứu kẻ nghèo con đói”. Chung Ly Vân Phòngnói: “Để tôi làm thử con thế nào”. Nói rồi dùng thuốc luyện đá hóa hóa vàng, đem cho dân nghèo vô số.

Ngày kia thượng tiên Vương Huyền Phủ biết Chung Ly Vân Phònggần thành tiên, nên tìm đến. Chung Ly Vân Phònglạy cầu truyền phép trường sinh. Vương Huyền Phủ … rồi đi thẳng. Sau lại gặp Huê Dương chân nhân học thêm phép, Chung Ly Vân Phònggiã từ đi dạo đến núi Tứ Hạo nghe sấm nổ một tiếng nứt ra Chung Ly Vân Phòngđi ngay vào thấy có một hộp đá, giở ra thấy có một cuốn kinh, lấy ra rồi thấy núi khép lại như cũ. Chung Ly Vân Phòngđem về xem chung với anh. Không … nghe tiếng nhạc vang trời, nhìn lên mây ngũ sắc … hạc bay xuống nói tiếng người rằng: “Thượng Đế cho rước ông Vân Phòng về phục chức cũ”. Chung Ly Vân Phòngđưa sách đạo cho anh, giã từ cưỡi hạc bay về trời.

Còn Chung Ly Giảng ở lại đó, xem sách, … biết việc quá khứ vị lại. Cách ít tlâu Chung Ly Vân Phòngcưỡi hạc bay đến nói rằng: “Anh tu đã đủ phép nên em rước về trời”. Nói rồi bảo anh cưỡi hạc, đằng vân lên mây.Song Chung Ly Vân Phòngđứng vào… còn Chung Ly Giảng cũng thành tiên, nhưng ng… . Bởi Chung Ly Quyền tên chữ Vân Phònglàm tướng đời Hán, nên gọi là Hán Chung Ly.

HỒI THỨ MƯỜI

Lam Thể Hòa nhịp phách[4]ngâm nga

Trương Quả Lão cưỡi lừa dong ruổi

Nói về ông Lam Thể Hòa là ông Xích Cước đại tiên đầu thai, tuy làm người mà còn nhớ tính cũ, hay bận áo xanh, buộc dây lưng đen lớn lắm, một chân đi đất, một chân mang giày, mùa hè mặc áo sùm sùm, … chẳng chút mồ hôi; mùa đông mặc áo chiếc đi dong mà hơi ra nóng hổi. Thường ngày cầm cặp sanh, vừa ca vừa nhịp sanh ngoài chợ mà kiếm tiền, để tiền trong dây lưng, vừa đi vừa ca, tiền rớt không thèm ngó lại. K… lấy tiền ấy mà bố thí cho bần nhân, thật là làm gương khuyên đời, không phải khùng ngộ. Những đứa trẻ nhỏ cùng thời ông Lam Thể Hòa, đến trẻ ấy đã già, gặp ông Lam Thể Hòa cũng bây lớn, coi vóc cũng đáng mười lăm mười bảy thôi quần áo như thường không khác.

Sau Lam Thể Hòa gặp Lý Thiết Quả đàm đạo trên tiên … quận Hào Lương. Xảy nghe tiếng nhạc vang trời, một cặp hạc xuống rước hai tiên bay đi. Nội trong Bát Tiên có ông Lam Thể Hòa là thuần hậu hơn hết. Khi cưỡi hạc bỏ cặp sanh rơi xuống đất hóa ra ngọc, rồi giây phút mất liền. Sau có người còn gặp ông Lam Thể Hòa nữa. Mấy bài ca còn ghi như vầy:

I. Kẻ thế muốn theo đông
Hiềm không được cưỡi rồng
Đường mây nhiều sấm sét
Nẻo tắt lắm gai chông
Cỏ mọc sau và trước
Mây bay tây lại đông.

II. Người sinh ở thế gian
Sống thác mấy muôn nghìn
Xưa thấy rằng chưa đủ:
Nay xem tới đã vàng
Vui vầy chung một cửa
Ly biệt rẽ đôi phương
chẳng khác phù dung nở
Trưa tươi tối lại tàn

III. Phía đông có một bà
Vận đỏ mới sang qua
Khi trước nghèo hơn chúng
Bây giờ nhẻ lại ta
Cười người đang thuở bé
Bỉ nhục trở về già
Máy tạo hay dời đổi
Thạnh suy cách chẳng xa.

Ông Lam Thể Hòa ca mười hai bài nay dịch nhóm ba bài cũng đủ hiểu, vì xuất khẩu thành ca, mà có ý vị khuyên đời. Thật là hơn bảy vị tiên khác, xưa nay có một!

Nói về Trương Quả Lão là con dơi trắng hồi tạo thiên lập địa, tu luyện lâu năm hóa hình người, sau ở lại Hàng Châu, núi Trung Điều học đạo với ông Huyền Khưu, làm bạn với Lý Thiết Quả. Các lão ông và lão bà thường kể chuyện rằng: “Khi còn con nít có thấy ông Trương Quả Lão cưỡi con lừa trắng đi dạo khắp nơi, đặc biệt ông ngồi người chiều, quay mặt ra sau, đến khi về thì đè bẹp con lừa, biến thành lừa giấy, xếp cất vào khăn. Đến khi muốn cưỡi đi chơi, thì phun nước vào hiện ra con lừa bạch để ông cưỡi đi. Đến khi già gặp ông Trương Quả Lão cũng như thường. Sau đời Đường vua Thái Tông vời ông Trương Quả Lão không chịu ra mắt. Đến Võ Hậu cho triệu, Trương Quả Lão đi nửa đường giả chết, giây phút thi thể hôi thúi, phát sinh giòi bọ, thiên sứ mới tin về tâu lại. Sau người ta cũng gặp như thường. Đời vua Đường Minh Hoàng sai quan hầu cận là Bùi Ngộ đem chiếu đi rước Trương Quả Lão, Trương Quả Lão cũng giả chết. Bùi Ngộ thắp nhang cầu khẩn. Trương Quả Lão giây lâu tỉnh dậy mà chẳng chịu đi. Bùi Ngộ không dám trái ý, về tâu lại. Minh Hoàng sai Từ Dự Thông và Lư Trang Huyền đem sắc đi rước nữa, Trương Quả Lão thấy có lòng nên mới chịu đi. Vua và bá quan kính trọng muôn phần. Minh Hoàng hỏi việc thần tiên. Trương Quả Lão làm thinh, ngồi nín hơi mấy ngày. Ngày kia Minh Hoàng đãi rượu. Trương Quả Lão từ chối rằng: “Ta không biết uống; dù có uống cũng chẳng bao nhiêu, nhưng học trò tôi uống tới cả đấu”. Vua Minh Hoàng cho vời. Giây phút thấy một đạo sĩ chừng mười sáu tuổi vào đền ra mắt. Minh Hoàng thấy dáng người xinh đẹp thì ưa lắm truyền cho ngồi. Trương Quả Lão nói: “Nó là đệ tử tôi cho theo hầu Bệ hạ”. Minh Hoàng thưởng một đấu rượu rồi ép uống nữa. Trương Quả Lão nói: “Chẳng nên ép hắn uống nhiều, nếu quá chén ắt sinh sự quái lạ Minh Hoàng không nghe cứ ép uống, giây phút trên đầu người ấy hiện ra cái quả bằng vàng, coi lại đạo sĩ đã biến mất chỉ còn cái quả bằng vàng ở dưới đất trơ trơ, vua truyền xem kỹ thấy rượu đã đầy quả. Trương Quả Lão thần thông hay lắm, chỉ chim chim sa, chỉ hoa hoa rụng, chỉ cửa cửa mở, chỉ đền đền dời, xuống nước chẳng chìm, vô lửa chẳng cháy. Trương Quả Lão nói: “Mình sinh đời vua Nghiêu năm Bính Tí. Mà xem hình dung chừng bảy mươi tuổi. Vua lấy làm lạ, truyền quan xem tướng giỏi, là Hình Hòa Phát xem tướng Trương Quả Lão cũng không ra. Rồi sai Sư Dạ Quang, là người nhìn thấu quỷ thần, xem cũng không biết tướng Trương Quả Lão.

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

Trương Quả Lão, phép mầu biết lột

Hà Tố Nữ, điềm lạ thành tiên

Ngày kia Minh Hoàng săn được con nai tại đất Hàm Dương truyền làm thịt đãi yến. Trương Quả Lão nói: “Nó là tiên lộc nghìn năm, chẳng nên giết. Nguyên đời Hán vua Võ Đế, niên hiệu Nguyên Phù ngũ niên, có kẻ săn được con nai này, vua Võ Để truyền thả”. Minh Hoàng than rằng: “Lẽ nào con nai ấy sống tới đời nay?”. Trương Quả Lão nói: “Võ Đế có đóng đính bài vàng trên gạt bên tả”. Vua truyền xem lại, quả có đính bài dài hai tấc mà chữ đã mòn. Minh Hoàng hỏi: “Từ ấy đến nay là mấy trăm năm?”. Trương Quả Lão nói: “Năm Quí Hợi, Hán Võ Đế đào ao Côn Minh, đến nay là năm Giáp Tuất, tất cả là tám trăm năm năm mươi năm”. Vua truyền sai quan Thái sử tính lại y số.

Khi ấy có thầy đạo sĩ là Diệp Pháp Thiện, có học pép tiên, biết việc quỷ thần, Minh Hoàng rất mến cầm ở trong cung. Sẵn dịp ấy vua hỏi riêng rằng: “Tướng tinh Trương Quả Lão là chi?”. Diệp Pháp Thiện tâu rằng: “Nếu Bệ hạ chịu cất mão cởi hài mà xin tội cho thần, thì thần mới dám nói”. Vua đồng ý. Diệp Pháp Thiện tâu rằng: “Trương Quả Lão cưỡi lừa khác thường lắm; vì cưỡi ngược ngồi quay mặt ra sau đuôi lừa. Thật là con dơi trắng đời Thượng cổ”. Nói vừa dứt lời, sặt máu mà chết. Minh Hoàng kinh hãi, cất mão cởi hài, đi chân không đến phòng Trương Quả Lão năn nỉ xin tha tội cho Pháp Thiện, Trương Quả Lão nói: “Nó hay nhiều chuyện lắm; nếu không trị tội, thì lộ trời”. Minh Hoàng năn nỉ hoài, Trương Quả Lão phun nước vào mặt Pháp Thiện, sống lại như thường. Vua phong Trương Quả Lão là Thông Quyền tiên sinh, lại họa chân dung mà treo tại lầu Tập Hiền. Sau Trương Quả Lão xin về du.ngoạn vua cầm không được, cho cây lụa và ban xe cấp hai lính hầu làm đệ tử đưa về Hàng Châu. Đến Hàng Châu, Trương Quả Lão cho một người về triều, còn một đệ tử theo mình vào núi Thiên Bửu. Sau Minh Hoàng cho triệu nữa. Trương Quả Lão giả chết. Đệ tử chôn cất. Cách ít lâu có người thuật chuyện Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược. Đệ tử lấy làm lạ, về đào mộ xem thử, thì thấy hòm không, Minh Hoàng hay tin lập miếu mà thờ Trương Quả Lão, có treo chân dung của ông. Sau có người học trò đề thơ trước miếu rằng:

Lòng rất mến ông Trương
Thần thông nên quãng lại
Cưỡi lừa ngược mới kỳ
Muôn việc đều xem đại

Nói về sự tích của Hà Tiên Cô. Khi trước quê ở Quảng Châu huyện Tăng Thành họ Hà, tên Tố Nữ, khi còn nhỏ trên đầu có sáu xoáy, ai cũng cho là kỳ. Đến mười lăm tuổi ở tại khe Vân Mẫu. Nhằm đời Đường Võ Hậu, đêm nọ Hà Tố Nữ nằm mộng, thấy thần nhânbảo ăn bột Vân Mẫu thì nhẹ mình chẳng thác. Hà Tố Nữ thức dậy làm y lời, thật quả đúng như vậy. Khi ấy bà mẹ thấy con gái đến tuổi cập kê thì muốn kén rể. Hà Tố Nữ nhất định không chịu lấy chồng, chỉ muốn ở vậy nuôi mẹ

Ngày kia Hà Tố Nữ đi tìm bột Vân Mẫu thì gặp Lý Thiết Quả và Lam Thể Hòa mang giỏ hoa lam đi hái hoa. Thấy Hà Tố Nữ gần thành tiên, hai ông truyền phép, xưng tặng là Hà Tiên Cô. Từ ấy Hà Tiên Cô đi nhanh như bay, hằng hái trái cây tối đem về cho mẹ. Mẹ hỏi, vì cớ nào sáng đi tối về. Hà Tiên Cô thưa rằng: “Con bận đàm đạo với tiên nữ trong núi”.

Sau Võ Hậu nghe đồn cho người đến rước, đi nửa đường Hà Tiên Cô biến mất. Sau quan Thứ sử họ Cao gặp Hà Tiên Cô ở trên lầu Quang Châu; mới tâu cho Võ Hậu rõ. Lý Thiết Quả độ hai mẹ con về cảnh Bồng Lai.

HỒI THỨ MƯỜI HAI

Đồng Tân một giấc gọi huỳnh lương

Vân Phòngmười phen thử đệ tử

Đời Đường có ông Lữ Vị nhân từ, làm quan Lễ bộ thị lang, sinh con là Lữ Nghị sau làm quan Thứ Sử tại Hải Châu, huyện Vĩnh Lạc, người vợ ông ấy có mang đến mười bốn tháng tư, mùi hương thơm ngát, có hạc trắng bay vào phòng rồi biến mất, kế đó sinh được một con trai. Ấy là Huê Dương chân nhân đầu thai xuống trần làm Lữ Đồng Tân. Vợ chồng mừng rỡ đặt tên là Nham. Lớn lên xưng tên chữ là Đồng Tân, Lữ Đồng Tân mắt phụng mày ngài, tai dài , cổ cao, mũi thẳng, xương gò má cao, chân mày bên tả có nốt ruồi, mình cao tám thước hai tấc, bàn chân có chỉ giống như lưng quy. Tính ưa bịt khăn Huê Dương (bao đảnh màu cánh sen, ăn mặc như đạo sĩ. Khi còn bé có thầy xem tướng là Mãn Tổ đoán rằng: “Đứa bé này tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo”. Mọi người trong gia đình đều nghe nhưng không hiểu nghĩa gì.

Năm hai mươi tuổi, Lữ Đồng Tân, xưng hiệu là Thuần Dương, nên còn gọi là Lữ Thuần, vẫn không chịu cưới vợ. Đến khi dạo núi Lư Sơn gặp Huỳnh Long chân nhân truyền gươm phép chém được yêu quái và truyềncho phép tu luyện. Lữ Đồng Tân thi đỗ tú tài, tiếp theo đỗ luôn cử nhân, thi khoa tiến sĩ lại rớt.

Ngày kia Lữ Đồng Tân đến chợ Trường An, huyện Hàm Đang, vào quán rượu, gặp một đạo sĩ mặc áo trắng, đề bài thơ trên vách như sau:

I. Ngồi đứng hằng mang rượu một bầu
Chẳng cho cặp mắt thấy Hoàng Châu
Dạo chơi ít kẻ tường tên họ
Trên thế thanh nhàn gọi trượng phu

II. Thần tiên tìm bạn khó không nài
Có phước theo ta dễ mấy ai
Đông Hải rõ ràng nhiều động đá
Ít người được thấy núi Bồng Lai

III. Dạo chơi theo thuở ở theo thời
Danh lợi mà chi mắc nợ đời
Nằm nghĩ co tay hằng đếm mãi
Mấy ai ao ước được như lời.

Lữ Đồng Tân thấy người ấy cốt cánh thần tiên, đề thơ thanh thoát thì lấy làm kính phục lắm, liền đến làm quen, chắp tay chào hỏi và xin đạo sĩ cho biết họ tên. Đạo sĩ mời ngồi, rồi nói rằng: “Người hãy làm một bài thơ cho ta biết ý đã!”. Lữ Đồng Tân liền đọc:

Cân đai ràng buộc ý không màng
Áo vải xem ra rất nhẹ nhàng
Danh lợi cuộc đời chưa phỉ nguyện
Làm tôi Thượng Đế mới nên trang.

Đạo sĩ nói: “Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, người muốn đi chơi với ta chăng?”. Lữ Đồng Tân còn lưỡng lự, Chung Ly Vân Phòng biết ý họ Lữ muốn đi thi đỗ tiến sĩ mà để danh tiếng với đời. Chung Ly Vân Phòng muốn độ Lữ Đồng Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương là bắp vàng, Vân Phòng đưa một cái gối cho Lữ Đồng Tân, bảo nằm xuống nghỉ, còn mình thì ngồi chụm lửa cho mau chín.

Chẳng ngờ Chung Ly Vân Phòngcó làm phép trong cái gối. Khi ấy Lữ Đồng Tân nằm chiêm bao thấy mình đi thi, ngang qua nhà giàu kia, gặp một người con gái tuổi vừa hai tám, dung nhan xinh đẹp thì ướm lời về việc hôn nhân. Nàng ấy nói rằng: “Nếu chàng thi đỗ trạng nguyên, thiếp chịu nâng khăn sửa trắp”. Lữ Đồng Tân vào khoa đổ trạng nguyên, về cưới nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp. Vua bổ làm quan Gián Nghị, Sau bốn mươi năm, làm chức thừa tướng, con cái đông đảo, có sui gia cũng bậc quan lớn, cháu nội cháu ngoại đủ đầy. Thật là vinh hoa quý tộc tột bậc. Chẳng may sau bị gian thần vu oan giá họa, vua tin lời bắt tội, truyền tịch thu gia sản,lại còn bị đày qua núi Lãnh Biểu, cực khổ vô cùng. Kế đó giật mình thức dậy. Vân Phòng ngồi bên cạnh cười lớn, ngâm thơ rằng:

Nồi bắp hỡi còn ngòi
Chiêm bao đà thấy cháu.

Lữ Đồng Tân lấy làm lạ hỏi rằng: “Thầy biết giấc chiêm bao của tôi sao?”. Vân Phòngnói: “Chiêm bao năm chục năm, công việc cả muôn, thật không đầy một lát; được chẳng khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường”. (Do sự tích này mà người ta thương nói: Giấc Huỳnh Lương, Giấc Kê Vàng, Giấc Hàm Đan, là để chỉ giấc mộng của Lữ Đồng Tân, xem vinh hoa phú quý là phù du mộng ảo).

Khi ấy Lữ Đồng Tân nghe Vân Phòng nói vậy, liền tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ thấy chán ngán cuộc đời liền cầu xin Vân Phòngtruyền đạo, Vân Phòngnói: “Việc nhà hãy chưa yên, đợi sau sẽ tu cũng không muộn”. Nói rồi liền bỏ mà đi. Lữ Đồng Tân trở về nhà, bỏ việc công danh, lo tu tâm dưỡng tính, Vân Phòng thử mười điều như sau:

1. Lữ Đồng Tân về tới nhà, thấy gia quyến bệnh chết sạch trơn. Lữ Đồng Tân lo tẩn liệm, nói tại số trời. Giây phút nội nhà sống lại như xưa. Lữ Đồng Tân không lấy làm lạ.

2. Lữ Đồng Tân bán đồ, giá cả đã xong, người mua nói ngược trả có phân nửa. Lữ Đồng Tân cũng bằng lòng.

3. Lữ Đồng Tân gặp ăn mày xin tiền cho chừng nào xin thêm chừng ấy. Cho hết tiền, còn xin nữa, không có lại mắng nhiếc om sòm. Lữ Đồng Tân cười mà năn nỉ.

4. Lữ Đồng Tân đuổi bầy dê lên núi ăn cỏ, gặp cọp cắn dê. Lữ Đồng Tân cứu dê, đưa mình vào miệng cọp, cọp thấy cứng quá liền bỏ đi.

5. Lữ Đồng Tân đang đọc sách, thấy một người con gái xinh đẹp chừng mười bảy tuổi, ghé nhà mà nói rằng: “Thiếp ở bên chồng về thăm cha mẹ, đi lỡ đường xin ngủ nhờ một đêm”. Suốt đêm chọc ghẹo Đồng Tân mà không được, sáng ra thì đã bỏ đi đâu không biết.

6. Lữ Đồng Tân bị ăn trộm hết đồ, không còn cơm gạo để nấu. Song cũng chẳng than thở, cứ tự mình cày cuốc mà sinh nhai, cuốc đất bắt gặp một đỉnh vàng. Lữ Đồng Tân lấp đất lại không thèm lấy.

7. Lữ Đồng Tân mua đồ đồng, về xem lại là vàng. Liền tìm chủ bán mà trả lại.

8. Có đạo sĩ điên đi bán thuốc, rao rằng: “Ai uống thuốc này tức thời chết. Qua kiếp sau mới được thành tiên”. Rao hơn mườingày không ai dám mua. Gặp lúc Động Tân đang bệnh, Đồng Tân liền mời đạo sĩ vào hỏi mua thuốc. Đạo sĩ nói: “Tôi tình nguyện làm phước cho thuốc không chẳng lấy bạc tiền. Song phải sắm quan tài, rồi sẽ uống thuốc”. Lữ Đồng Tân uống thuốc ấy hơn mấy ngày, không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt.

9. Gặp lúc nước lụt ai nấy hãi kinh, lên thuyền mà tỵ nạn, lại thêm bão tố đùng đùng. Lữ Đồng Tân ngồi xếp bằng làm thinh không mải may rúng động.

10. Đêm nọ Lữ Đồng Tân đang ngồi một mình trong nhà, thấy tà ma đến phá mà chẳng sợ chút nào. Đêm sau thấy một con ma tới trước mặt, máu chảy toàn thân, nắm Lữ Đồng Tân mà khóc rằng: “Kiếp trước ngươi giết ta, đời nay phải thường mạng”. Lữ Đồng Tân nói: “Phải, giết người thế mạng là lẽ thường”. Liền tìm đao tự vẫn.

Xảy nghe nạt lớn một tiếng, ma quỷ biến mất. Có một người vỗ tay cười lớn, xem lại là thầy Vân Phòngcười rằng: “Ta thử đã mười điều, khen ngươi bền chí, đáng truyền đạo trường sinh. Song ngươi chưa công quả bao nhiêu nên rước gấp chưa được. Nay ta dạy phép Huỳnh Thạch, chỉ đá hóa vàng. Ngươi giúp đời cho đủ công quả, ta sẽ rước về thượng giới”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Vàng ấy chừng bao lâu mới phai?”. Vân Phòngnói: “Cách ba nghìn năm mới phai”. Lữ Đồng Tân châu mày thưa rằng: “Như vậy thì cứu người nghèo bây giờ, mà làm hại những kẻ ba nghìn năm sau nhiều lắm, thật tôi chẳng nở lòng”. Vân Phòng khen rằng: “Lòng ngươi nhân đức mười phần, truyền đạo bây giờ cũng được”. Nói rồi dắt Lữ Đồng Tân qua núi Triều Hạc.

HỒI THỨ MƯỜI BA

Vân phòng truyền thần chú trên non

Đồng Tân vẽ huỳnh hạc dựa vách

Khi đến đỉnh núi Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Thưa thầy, tu thành tiên dễ hay khó?”. Vân Phòng nói: “Quyết tu thì thành tiên, không tu thì thành quỷ. Tiên có năm bậc: Quỷ tiên, nhân tiên, địa tiên, thần tiên, thiên tiên”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Xin thầy giải nghĩ cho rõ!”. Vân Phòng nói: “Quỷ tiên là bậc chót như thổ địa… Nguyên là người tu trì chân chính, chẳng biết luyện hình, bởi lòng thanh tịnh, không làm việc bất nhân, nên khỏi đọa địa ngục, luân hồi, được làm Quỷ tiên bậc cuối; Nhân tiên là người tu luyện còn non, tuy vậy cũng có thể làm phép cầu phước tránh họa; Địa tiên là người tu luyện nhiều phép, trường sinh ở đời; Thần tiên là Địa tiên đã lánh đời về núi; Còn Thiên tiên là thần tiên thường làm nhiều điều phước đức, hay cứu dân độ thế, cảm động thiên đình, được Ngọc Hoàng triệu về phong chức”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Tôi không muốn làm quỷ tiên, mà thiên tiên cũng không dám vọng tưởng. Xin học theo phép nhân tiên, địa tiên và thần tiên”. Vân Phòng nói: “Ba bậc ấy tu luyện như nhau, khác nhau là do công tu luyện nhiều hay ít mà thôi”. Nói rồi truyền đạo cho Đồng Tân.

Nói về ông Trịnh Tư Viễn hồi trẻ biết làm thuốc, đến lớn học đạo với các tiên ông, sau về ở núi Mã Tích. Trên núi ấy có hai vợ chồng cọp sinh được hai con, cọp mẹ bị chúng săn, còn cọp bố thất kinh chạy mất, bỏ hai con mồ côi đói khát. Trịnh Tư Viễn thấy tội nghiệp, đem về núi mà nuôi dưỡng như cặp mèo. Sau cọp bố tìm tới thăm con và tạ ơn, rồi cũng ở với Trịnh Tư Viễn. Trịnh Tư Viễn đi là thuốc ở đâu cũng cưỡi cọp như cưỡi ngựa. Ngày kia người bạn họ Hứa bị bệnh nhứt răng rước Trịnh Tư Viễn đến trị. Lại xin vài sợi râu cọp để làm thuốc nhứt răng. Cọp cũng cúi đầu cho râu. Sau Trịnh Tư Viễn thành tiên, xưng hiệu Đơn Dương chân nhân.

Ngày kia Trịnh Tư Viễn ghé núi Triều Hạc đàm đạo với Vân Phòng.trông thấy Đồng Tân liền chỉ và hỏi: “Người đó là ai, xin giới thiệu cho tôi biết?”. Vân Phòng nói: “Đó là đệ tử tôi, tên Lữ Thuần Dương”. Rồi kể chuyện Lữ Đồng Tân vượt qua mười thử thách của mình. Trịnh Tư Viễn khen rằng: “Thật là người có lòng học đạo”. Chuyện vãn hồi lâu đồng cáo từ mà về. Cũng trong trong ngày đó, Vân Phòng nói với Lữ Đồng Tân rằng: “Ta sắp lên chầu Ngọc Đế, sẽ tâu xin đem tên ngươi vào sổ tiên. Cách mười năm nữa, đến gặp ta tại Động Động Đình. Xảy thấy có một vị tiên cưỡi hạc bay đến nói với Vân Phòng rằng: “Có chiếu Thượng Đế phong Chung Ly giữ chức Kim Khuyết thượng tiên, mau về lên lãnh sắc phong!”. Vân Phòng tạ ơn rồi từ giã Đồng Tân, rồi đằng vân về trời.

Ngày nọ Lữ Đồng Tân đến sông Giang Hoài, được biết có một con giao thành tinh, khi thì dâng nước lụt hại dân cư, khi thì làm sóng gió nhận chìm thuyền nhân. Phủ huyện sở tại đã rước nhiều đạo sĩ mà trừ nó không được. Nên phải treo bảng cầu hiền. Lữ Động Tận nghĩ mình có gươm phép của Huỳnh Long chân nhân ban cho, chắc trừ nó được, nên đến nói rằng: “Phủ huyện đừng lo, để tôi trừ nó”. Nói rồi rút gươm phép ra, miệng đọc thần chú, phóng xuống sông. Giây phút nước sông nổi sóng, máu tươi vọt lên thắm đỏ dòng sông, con giao long bị chém đứt họng nổi lên, gươm linh chém quái xong lại bay vào vỏ. Phủ huyện đền ơn tặng cho họ Lữ rất nhiều vàng bạc, nhưng người cương quyết không nhận. Hỏi thăm danh tính. Lữ Đồng Tân nói: “Ta họ Hồi”. Nói rồi liền đi, nên thiên hạ gọi là Hồi đạo sĩ. Bởi chữ Hồi có chữ khẩu ngoài và chữ khẩu trong, cũng như chữ lữ, chữ khẩu trên nối chữ khẩu dưới.

Lữ Đồng Tân qua châu Nhạc Dương mà bố thí thuốc chữa bệnh và tìm người lành mà độ cho tu hành, té ra độ không được ai, cứ độ rượu tại quán Tân Thị mãi. Lữ Đồng Tân uống chịu, Tân Thị không đòi, uống tới nửa năm, không trả một đồng điếu. Lữ Đồng Tân thấy Tân Thị tốt bụng không đòi tiền mình liền bảo rằng: “Ngươi lấy vỏ quýt tươi ra đây, để ta dùng nó thay mực vẽ con huỳnh hạc trên vách. Khi khách đến uống rượu thì bảo huỳnh hạc xuống múa giúp vui, như vậy ngươi có thể thu hút được nhiều người đến quán”. Chủ nhà vâng lời, trọng đãi. Lữ Đồng Tân vẽ hạc, uống rượu rồi giã từ. Tân Thị thấy khách đến liền bảo huỳnh hạc, thì hạc vàng trên vách nhảy xuống múa mà câu khách. Đến khi khách về nó nhảy lên vách thì là hạc vẽ. Cách ít năm sau, Đồng Tân đi ngang quán Tân Thị mừng rỡ, rước vào mời rượu tạ ơn. Lữ Đồng Tân hỏi: “Trừ đủ tiền chịu hay chưa?”. Tân Thị nói: “Quá lời quá vốn”. Lữ Đồng Tân lấy sáo ra thổi ba bản nhạc, hạc vàng trong vách bay ra. Lữ Đồng Tân cưỡi hạc bay mất. Tân Thị làm lại cái lầu, đặt tên là Huỳnh Hạc Lâu.

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Một thuở làm quen Bạch thị

Ba phen trở lại Nhạc Dương

Ngày kia Lữ Đồng Tân đi đến Nhạc Dương thấy một cô gái tuổi chừng hai tám nhan sắc như tiên. Lữ Đồng Tân hỏi qua căn do, mới rõ Bạch Mẫu Đơn là đào hát. Đồng Tân nghĩ rằng: “Hồng nhan bạc phận như nàng cũng khá thương khá tiếc. Để ta tìm đến độ nàng tu hành”. Đợi Bạch Mẫu Đơn về nhà tìm đến trò chuyện, xưng mình là Hồi đạo sĩ, Bach Mẫu Đơn giữ họ Lữ ở lại vài ngày.

Kẻ viết truyện sau này cắc cớ nói rằng Đồng Tân tư tình với Bạch Mẫu Đơn thật là đặt chuyện, chứ Đồng Tân chịu mười thử thách mà còn chẳng ngả lòng, huống chi nay đã thành tiên rồi sao còn háo sắc? Sau có người thỉnh Lữ Đồng Tân giáng cơ có hỏi rằng: “Việc Bạch Mẫu Đơn có quả như lời truyền chăng?”. Đồng Tân rả lời như sau: “Thùy vị Đồng Tân hí Mẫu Đơn vô trung sinh hữu thuyết đa đoan”. Nghĩa là: Ai nói Đồng Tân ghẹo Mẫu Đơn, thiệt là đặt chuyện nói hoang đường.

Khi ấy Thiết Quả đến đi dạo đến sông Giang Hoài gặp Hà Tiên Cô tay cầm hoa sen đi tới. Lý Thiết Quả hỏi: “Cô đi đâu đây?”. Hà Tiên Cô nói: “Có Quảng Trinh vì bệnh không thể có con, nên cưới thiếp cho chồng rồi đi tu. Tôi tìm tới độ nàng ấy”. Lý Thiết Quả cười rằng: “Mình đã không chồng, lại hại người ta không chồng nữa sao?”. Hà Tiên Cô đáp rằng: “Vậy chớ ai nấy đều có đôi sao ông không lấy vợ?”. Lý Thiết Quả vừa cười vừa nói pha trò rằng: “Ta thủ tiết mà đợi kẻ không chồng”. Xảy thấy Lam Thể Hòa cưỡi lừa của Trương Quả Lão đi tới nạt rằng: “Trong đạo hữu, một người ngũ lầu xanh, còn hai người lại to nhỏ chuyện nam nữ. Trước là phạm luật, sau làm mất thể diện tiên gia, thế này tôi phải tâu Thượng Đế trị tội mới được”. Lý Thiết Quả hỏi: “Vậy chứ ông đi đâu đây?”. Lam Thể Hòa nói: “Lão già dơi ngủ quên, tôi lén bắt lừa cưỡi đi dạo”. Lý Thiết Quả nói: “Chúng ta vô tang chứng, còn ông ăn trộm lừa đã rõ, mà còn dọa đi tố cáo người khác. Để tôi bắt con lừa làm tang chứng đi tâu trước”. Nói rồi làm bộ bắt lừa, Lam Thể Hòa cười ngất. Lý Thiết Quả hỏi: “Chẳng hay ai ngủ lầu xanh?”. Lam Thể Hòa nói: “Lữ Đồng Tân ngủ đã ngủ ở lầu của nàng Bạch Mẫu Đơn”. Lý Thiết Quả nói: “Vậy mà Chung Ly Vân Phòng khoe học trò mình chân tu lắm. Để chúng ta đến hỏi cho quả tang rồi sẽ đến vấn tội”. Lam Thể Hòa nói: “Vậy thì hai người hãy đi tìm hiểu thực hư, còn tôi thì đi trả lừa cho Trương Quả Lão”. Nói rồi từ biệt.

Nói về Bạch Mẫu Đơn, từ khi Lữ Đồng Tân ở đó một đêm, hôm sau sợ đạo hữu hay việc ấy chắc là đạo hữu sinh nghi nên từ biệt hẹn vài ngày sẽ đến nữa. Khi Bạch Mẫu Đơn ngồi một mình chợt thấy hai vợ chồng ăn mày đến hỏi thăm rằng: “Có Hồi đạo sĩ ở đây chăng?”. Bạch Mẫu Đơn nói: “Hồi đạo sĩ mới vừa đi”. Hai vợ chồng ăn mày dặn rằng: “Nếu thầy ấy trở lại thì nói có vợ chồng tôi hỏi thăm người”. Nói rồi liền bỏ đi.

Hôm sau Lữ Đồng Tân nghe Bạch Mẫu Đơn thuật chuyện… Lữ Đồng Tân giật mình nói rằng: “Ấy là Lý Thiết Quả và Hà Tiên Cô giả hình đến thăm dò ta đó! Ta chính thật là Lữ Đồng Tân, thấy nàng bạch mệnh, xem ra có tiên với tiên gia, nên có lòng muốn cứu độ nàng, nay đạo hữu sinh nghi, ta chẳng thể ở nữa. Ta cho nàng thuốc kim đơn và sách tu luyện, cứ tu luyện theo đó, sau cũng thành quỷ tiên”. Nói rồi đằng vân bay đi. Về sau Bạch Mẫu Đơn giải nghệ, uống thuốc kim đơn, tu luyện theo sách, ít năm sau cũng thành quỷ tiên.

Còn Lữ Đồng Tân nghĩ rằng: “Mình có lòng muốn độ người lành. Vậy thì trở qua Nhạc Dương một phen nữa xem sao. Tính rồi giả làm kẻ bán dầu qua Nhạc Dương ở một năm dư, không thấy người nào mua dầu mà chẳng đòi đong thêm.

Ngày kia đi bán, gặp một bà lão đem một cái trứng ngỗng xin đổi một lạng dầu, chẳng hề đòi thêm, Lữ Đồng Tân hỏi: “Ai nầy mua dầu đều đòi đong thêm, sao bà lại chẳng làm như thế?”. Bà ấy nói: “Một cái trứng ngỗng, giá đáng bao nhiêu, đổi một lạng dầu cũng là đủ rồi, đòi thêm chi nữa?”. Lữ Đồng Tân thấy bà ấy không tham lam, trong lòng muốn giúp đỡ cho qua cảnh nghèo khó. Nhân bà ấy mời rượu, Lữ Đồng Tân đổ một ít rượu xuống giếng mà dặn bà ấy rằng: “Bà hãy bán nước trong giếng này cũng đủ làm giàu lớn”. Bà lão hỏi vì cớ nào, Lữ Đồng Tân cứ làm thinh gánh dầu đi thẳng. Bà ấy xem lại thì thấy nước giếng đã hóa thành rượu ngon. Bà lão rượu trong giếng ấy hơn một năm đã trở nên giàu có.

Sau Lữ Đồng Tân ghé lại, gặp lúc bà ấy đi vắng. Lữ Đồng Tân hỏi con bà ấy rằng: “Năm nay bán rượu khá không?”. Đáp rằng: “Khá thì cũng khá, ngặt không có hèm cho heo ăn!”. Lữ Đồng Tân than rằng: “Thật là lòng tham chẳng cùng, có chừng nào lại muốn thêm chừng ấy”. Nói rồi làm phép lấy men rượu dưới giếng, rồi bỏ đi. Sau đó bà lão về thấy rượu hóa ra nước như trước, hỏi người con thuật chuyện lại… Bà ấy đến lều người bán dầu, chỉ thấy lều không, lại có bài thơ để lại, đem về mượn người đọc như sau:

Ta cắp gươm linh dạo cõi trần
Nhạc Dương qua lại đã ba phen
Bán dầu năm lạng không ai biết
Tìm Động Đình Hồ độ kẻ nhân.

Đó là Lữ Đồng Tân đi tìm Vân Phòng, cùng qua sông Động Đình Hồ mà độ ông Hàn Tương Tử.

Đời Tống niên hiệu Chính Hòa, trong cung có yêu quái. Vua Huy Tông rước thầy làm phép trị không được, hai tháng như vậy. Đến đêm mồng chín tháng ba, vua nằm mộng thấy đạo sĩ đi với ông thần mặt đỏ, giáp vàng, cầm siêu đao. Đạo sĩ nói: “Tôi vâng lệnh Thượng Đế, đưa thần trừ quỷ cho Bệ hạ”. Huy Tông hỏi: “Vị thần ấy là ai?”. Đạo sĩ nói: “Quan Vân Trường, Bệ hạ phong làm thần Nghĩa Dũng chân quân đó”. Vua hỏi: “Còn Trương Phi ở đâu?”. Đạo sĩ nói: “Đời Đường, Trương Phi đầu thai làm Trương Tuấn. Đời nay đầu thai tại Thương Châu, huyện Thang Âm, sau phò Bệ hạ”. Huy Tông hỏi: “Đạo sĩ họ chi?”. Đạo sĩ nói: “Tôi là Lữ Thuần Dương sinh ngày mười bốn tháng tư”. Vua giật mình thức giấc, biết là Lữ Đồng Tân, liền ban chiếu phong làm Diệu Thông chân nhân, truyền lập miếu thờ phụng. Từ đó yêu quái trong cung cũng không còn nữa. Sau Nhạc Hòa nằm mộng, thấy Trương Phi đầu thai làm con mình, nên sinh con đặt tên là Phi, tự Bàng Cử, hiệu Võ Mục.

HỒI THỨ MƯỜI LĂM

Tương tử đặt rượu, trồng hoa

Hàn Dũ bị đày gặp cháu

Hàn Tương Tử đời Đường, gọi Hàn Dũ bằng chú ruột. Tính Hàn Tương Tử mộ đạo tiên. Hàn Dũ ép học nho mãi, Hàn Tương Tử nói: “Chú mộ công danh phú quý, còn tôi theo học đạo thần tiên”. Hàn Dũ giận nạt lớn. Sau Hàn Tương Tử tìm gặp Vân Phòng và Lữ Đồng Tân, dắt lên non hái đào chín. Hàn Tương Tử hái đào, nhánh đào bị gãy, té xuống bỏ xác thành tiên. Sau tính trở về độ cho chú.

Năm ấy trời hạn, Hàn Dũ đảo võ không được. Xảy nghe đạo sĩ rao rằng: “Ai muốn mua mưa mua gió, ta bán cho?”. Hàn Dũ rước vào đảo võ. Giây phút mưa xuống tràn đồng, tuyết sa chất ngất. Hàn Dũ nói: “Không chắc tại ai đảo võ mà được mưa tuyết này. Ta cầu hơn nửa ngày rồi, có khi kết quả chậm một chút. Đạo sĩ nói: “Thật là mưa tuyết do tôi cầu”. Hàn Dũ hỏi: “Lấy cớ nào làm chắc?”. Đạo sĩ nói: “Tôi chỉ cầu có ba thước ba tấc mà thôi”. Hàn Dũ đo thử thì đúng là tuyết cao ba thước ba tấc, từ đó mới tin thần tiên nhiệm mầu. Đạo sĩ ấy là Hàn Tương Tử biến ra.

Đến ngày Hàn Dũ ăn mừng lễ sinh nhật, Hàn Tương Tử về chúc thọ cho chú. Hàn Dũ nửa mừng nửa giận, hỏi rằng: “Bấy lâu ngươi học đạo thần tiên ra thế nào, là thơ nghe thử!”. Hàn Tương Tử ngâm rằng:

Đã quyết chí tu trì
Thần tiên chẳng khó chi
Mây xanh hằng cưỡi hạc
Động đá cứ ngâm thơ
Đặt rượu trong giây phút
Trồng hoa nội tức thì
Lâu dài nghìn tuổi thọ
Điều độ kẻ tương tri

Hàn Dũ nói: “Ngươi cướp quyền tạo hóa được sao, hãy đặt rượu, trồng hoa xem thử?”. Hàn Tương Tử bảo đem một cái ché không đặt giữa bàn, lấy mâm đậy lại, trong giây phút rượu ngon đầy ché; Rồi ra trước sân đào đất, tức thì mọc lên một cây mẫu đơn nở hoa rất lớn, trong hoa có hai hàng chữ nhỏ như sau:

Vân hoành Tần Lãnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.

Hàn Dũ đọc rồi, ngẫm nghĩ mãi mà không hiểu ý gì. Hàn Tương Tử thưa rằng: “Ngày sau chú sẽ biết, bây giờ không thể lậu cơ trời”. Ai nấy đều lấy làm lạ lùng, tiệc rồi Hàn Tương Tử từ giã về núi.

Nói về vua Đường Hiến Tông kính trọng đạo Phật. Bên Tây Vức dâng cốt Phật, vua muốn rước vào cung mà thờ. Bá quan không dám can gián. Hàn Dũ dâng sớ tâu rằng: “Đạo Phật là đạo của ngoại quốc. Từ Tam Hoàng, Ngũ Đế đến vua Võ, vua Thang, vua Văn Vương, Võ Vương chưa có đạo Phật thì thiên hạ thái bình. Đến đời Hán, vua Minh Đế đạo Phật vào Trung Nguyên thì nước nhà chẳng lâu dài. Sau đến đời vua Lương Võ Đế thờ Phật hết lòng, nhưng vua lại bị Hầu Kiển vây khốn, phải chết đói tại Đài Thành, sao Phật không cứu? Như vậy thì chẳng nên tin Phật, xin Bệ hạ đãi bọn Tây Vức, rồi truyền quăng cốt Phật vào lửa, hoặc ném xuống sông, kẻo thiên hạ mê theo mà lầm. Cúi xin Bệ hạ y tấu, nếu Phật có linh hiển thì làm họa cho thần”.

Vua Hiến Tông xem sớ nổi giận, truyền giáng chức Hàn Dũ, đày ra Triều Châu tức thì. Hàn Dũ bị đày đến nơi hoang vắng, chẳng thấy nhà cửa, mây giăng trên đỉnh núi mù mịt, tuyết xuống cả vùng, ngựa đi không được. Xảy thấy có một đạo sĩ, quyét tuyết dọn đường. Nhìn lại là Hàn Tương Tử lại chào chú mà hỏi rằng: “Chú nhớ hai câu thơ trong hoa mẫu đơn ngày trước chăng?”. Hàn Dũ hỏi: “Chốn này là xứ chi?”. Hàn Tương Tử thưa rằng: “Đây là ải Lam Quan, núi này tên Tần Lãnh”. Hàn Dũ nhớ lại hai câu thở trong hoa mẫu đơn thì than rằng: “Như vậy số trời đã định rồi, chạy đâu cũng không khỏi. Để ta nối thêm cho đủ bài”. Nói rồi ngâm rằng:

Nhất phong triều tấu cửu trùng thiên
Tịch biến Triều Dương lộ bác thiên
Bổn vị thánh minh trừ tệ chính
Cảm thương suy hữu tích tàn niên
Vân hoàng Tần Lãnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền

Tri như viễn lại ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt táng giang sơn.

Ngâm thơ rồi, đi với Hàn Tương Tử đến Lam Quan mà nghỉ. Hàn Dũ từ đó mới tin Trời và trọng Đạo. Đêm ấy chú cháu cùng nhau luận bàn đạo đức đến khua. Rạng ngày Hàn Tương Tử đưa hoàn thuốc cho Hàn Dũ và nói rằng: “Chú uống hoàn thuốc Tiên này sẽ không sinh các bệnh, không bao lâu sẽ được về triều”. Nói rồi từ giã. Hàn Dũ ngậm ngùi nói rằng: “Ngày sau chú còn gặp lại cháu không?”. Hàn Tương Tử thưa rằng: “Không bao lâu ở Triều Châu, cá sấu phá hại dân chúng, chú đặt văn tế bắt nó phải đi. Kế đó được phục chức. Sau này cháu sẽ về độ chú, truyền phép tu luyện. Nói rồi Hàn Tương Tử từ giả chú trở về cảnh tiên. Quả thật về sau y như lời Hàn Tương Tử không sai.

HỒI THỨ MƯỜI SÁU

Lữ Đồng Tân, trái ý cải tiên sinh

Hán Chung Ly, xuống trần thu đệ tử

Nói về Vân Phòng và Đồng Tân từ độ Hàn Tương Tử đời Đường, về ở Bồng Lai hải đảo. Sau qua đời Tống Chân Tông, Hán Chung Ly đánh cờ với Lữ Đồng Tân, vui miệng nói rằng: “Ngươi có nhớ chuyện mê Bạch Mẫu Đơn chăng?”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: Thuở ấy đệ tử mới tu nên thấy sắc còn đắm, tuy là trò chuyện không làm điều chi quá đáng, mà cũng phải mang tiếng”. Chung Ly hỏi: “Còn ngươi uống rượu tại Nhạc Dương hơn nửa năm, sao không sợ phạm luật?”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Tôi có lời nguyện độ kẻ thế gian, nên phải uống chút ít mà lộn trần tục”. Chung Ly cười rằng: “Việc nào ngươi cũng phạm hết, trách chi Lý Thiết Quả và các tiên chê ngươi là say mê tửu sắc”. Lữ Đồng Tân nghe cả thẹn, vì kính nên chẳng dám trả lời. Xảy thấy hơi độc bên nam bên nam bên bắc dâng lên. Lữ Đồng Tân sai tiểu đồng ra xem thử. Tiểu đồng thưa rằng: “Ấy là rồng độc bên nam tranh đấu với rồng cái bên bắc”. Chung Ly nói: “Ta biết Tống Nhân Tông tướng tinh là rồng đực, Tiêu Hậu tướng tinh là rồng cái cự địch, chắc còn chinh chiến hai năm, thương cho binh dân mắc nạn”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Chẳng hay con rồng nào thắng?”. Chung Ly nói: “Rồng cái là yêu đầu thai xuống Phiên, cự sao lại rồng đực là chúa thánh trời khiến ra đời, thế nào rồi rồng cái nghịch thiên phải bại”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Đở bên suy phò bên yếu, thật là tài đức song toàn, thầy cũng nên xuống thế mà giúp Tiêu Hậu mà chống kình cùng Tống, đã có danh thiên hạ, lại làm cho Tống chẳng dám đánh Phiên, nước nào giữ gìn cai trị nước ấy, khỏi việc can qua, muôn dân nhờ đức vô cùng”. Chung Ly nói: “Số thịnh suy trời đã định trước, ta giữ phận sự hơi đâu mà gánh việc đời”. Nói rồi về động nghĩ ngơi. Lữ Đồng Tân nghĩ rằng: “Các tiên chê ta bất tài, mê tửu đắm sắc. Còn thầy lại nói chắc Tống phải thắng Phiên. Ta cũng nên lén xuống giúp Tiêu Hậu đánh Tống bại binh, thì thầy mình hổ thầm không chê mình nửa, các tiên cũng chẳng dám dễ ngươi ta nữa”. Nghĩ rồi xét lại rằng: “Kình với các tiên cũng vô cang, chứ cự với thầy sao phải. Chi bằng tránh tiếng cho khỏi mất lòng thầy”. Bởi cớ ấy mới sai Xuân Nham xuống núi… mà giúp Tiêu Hậu đánh Tống.

Nói về Dương nguyên soái từ khi phát bịnh, vua Chân Tông treo bảng mời lương y.

Khi ấy Lý Thiết Quả đang đánh cờ với Chung Ly Vân Phòng. Xảy thấy Trương Quả Lão bước vào trách rằng: “Hôm trước thầy trò đánh cờ, kình khí với nhau gây ra họa lớn, bây giờ còn muốn kình nữa sao?”. Lý Thiết Quả hỏi: “Chuyện chi gọi là họa lớn?”. Trương Quả Lão nói: “Động Tận không phục tiếng thầy nói Tống thắng Phiên nên lén xuống trần làm quân sư, cầm cốt cho tinh cây xuống lập trận Thiên môn bảy mươi hai cửa. Bên Tống phá không được, đến đổi làm cho Dương Lục Sứ phát bệnh gần chết, không họa lớn hay sao?”. Lý Thiết Quả nổi giận nói rằng: “Trời đã định rồi mà Lữ Đồng Tân dám cải. Nếu không trừng trị thì ta phải tấu Thiên Tào”. Nói rồi đứng dậy, Hán Chung Ly làm thinh, Hà Tiên Cô, Lam Thể Hòa đều phê bình cả thảy. Có Hàn Tương Tử cám ơn Lữ Đồng Tân độ mình nên tìm lời khuyên giải, Hán Chung Ly nói: “Xin các vị bớt giận, để tôi đi bắt nó về”. Trương Quả Lão nói: “Vậy thì ngươi phải đi cho mau, kẻo bên Tống khốn nạn”. Hán Chung Ly xuống trần trị bệnh cho Dương Lục Sứ và phá trận…Chuyện Thập nhị quả phụ chinh Tây có nói rõ. Lữ Đồng Tân hay thầy giúp Tống, phá trận tan tành. Lữ Đồng Tân tính lén về động, Hán Chung Ly bắt gặp nạt lớn: “Ta nói chơi vài lời, ngươi dám cố ý làm cho lại gan sao?”. Khá khen chẳng sợ phép trời, muốn đọa nhiều kiếp hay sao? Mau về động cũ thì thầy trò hòa thuận như xưa, nếu cải lời tức thì mắc đọa”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Tôi mới lầm lỡ một phen, xin thứ tội”. Nói rồi đằng vân về động theo thầy. Bên Tống bên Phiên đều lấy làm lạ.

HỒI THỨ MƯỜI BẢY

Hàn Tương Tử dọn tiệc giải hòa

Tào Quốc cựu theo tiên thành đạo

Khi ấy Lý Thiết Quả sai Hà Tiên Cô thăm dò tin tức, giây phút trở về nói rằng: “Chung Ly đã thu đệ tử về rồi”. Lý Thiết Quả nói: “Lữ Đồng Tân về đây phải hài tội, cho biết lỗi mà ăn năn. Nếu để vậy thì quen tính cũ”. Trương Quả Lão nói phải. Kế đó Chung Ly dắt Lữ Đồng Tân về, Lý Thiết Quả làm mặt giận quở rằng: “Thật ngươi đam mê tửu sắc, sao thầy nói lại dám giận hờn. Ỷ tài phép xuống trần cải số trời đất. Nếu ta chẳng nghe lời chư tiên khuyên giải, thì đã tấu Thiên Tào, chắc ngươi phải đọa lớn”. Lữ Đồng Tân thưa rằng: “Tôi chẳng dám cải lời thầy. Bởi Xuân tinh nó xuống trận lập trận cự Tống, tôi tính đi thu nó về. chẳng ngờ thấy trận lập rất hay, nên muốn thử phép”. Lý Thiết Quả giận nói: “Ngươi sai Xuân tinh báo đời, nay lại kiếm đều nói trớ”. Nói rồi đứng dậy muốn đi. Trương Quả Lão nói với Đồng Tân rằng: “Chẳng nên chối cải mà chọc giận lão tiên, đã sai rồi thì phải chịu lỗi mới phải”. Nói rồi kéo Đồng Tân đến chịu lỗi với Lý Thiết Quả và Chung Ly mà chịu lỗi, các tiên đều khuyên giải còn Hàn Tương Tử dọn tiệc giảng hòa. Lý Thiết Quả hết giận, Hán Chung Ly cũng vui vẻ như xưa. Trong lúc ăn tiệc, uống huỳnh tương, Lý Thiết Quả nói: “Tại Bồng Lai có đến tám động đá, mà chúng ta có bảy người, phải độ thêm một vị nữa. Ta nghe nói em của Tào Hậu là Tào Quốc Cựu có khí tượng thần tiên, chúng ta nên độ thành tiên, kẻo uổng phí người hiền”. Hán Chung Ly thưa rằng: “Để tôi xem nếu được thì độ người ấy”.

Nói về Tào Quốc Cựu tên Hữu, em ruột Tào Hậu đời Tống. Tào Quốc Cựu có một em ruột tên là Tào Nhị ỷ thế hại dân, lập phe đảng mà bắt hiếm gái lành và đoạt điền thổ của dân chúng. Tào Quốc Cựu thường la rầy em mình, mà Tào Nhị chẳng chừa, chứng nào tật nấy lại còn đem lòng oán trách. Tào Quốc Cựu thường than rằng: “Chứa lành có phước, chứa dữ mang họa, ấy là lẽ thường, bởi tổ tông có đức nên mình mới được giàu sang. Giờ đây em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua khỏi dương pháp, chứ chạy sao cho khỏi luật trời, nếu đợi tại họa tới thì mình mắc họa liên can, chi bằng lánh trước kẻo nhơ danh và mắc nạn về sau”. Nghĩ rồi liền xuất hết sự sản mà bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ lên núi tìm chỗ tu hành. Qua được vài năm thì Hán Chung Ly và Lữ Đồng Tân tìm đến gặp mặt, hỏi rằng: “Ông tu luyện ra sao?”. Tào Quốc Cựu nói: “Lòng mộ đạo Thần Tiên nên lánh đời, chớ không biết phép tu luyện chi hết”. Hai tiên hỏi: “Đạo ở đâu mà mộ?”. Tào Quốc Cựu chỉ trời. Hai tiên lại hỏi: “Trời ở đâu”. Tào Quốc Cựu chỉ vào trái tim, Hán Chung Ly cười rằng: “Lòng là trời, trời là đạo, đã biết rõ cội nguồn thì tu chắc thành tiên”. Nói rồi mời Tào Quốc Cựu về động.

HỒI THỨ MƯỜI TÁM

Trước cầu vị Lão Tử

Sau phó hội Bàn Đào

Nói về bát tiên đã đủ tám, ở lại Bồng Lai tám động đá, tiêu diêu nhàn lạc vô cùng.

Ngày kia Hà Tiên Cô nói với bảy tiên rằng: “Lẽ thường tiên ông mới thành đạo thì ra mắt Mộc Công (Đông Vương Công), còn tiên nữ mới thành thì ra mắt Kim Mẫu (Tây Vương Mẫu). Kỳ trước Đông Vương Công mừng sinh nhật các tiên cũng đi chúc thọ. Nay Tây Vương Mẫu gần mừng sinh nhật, bảy ông tính đi chúc thọ hay không?”. Hán Chung Ly và Lam Thể Hòa nói: “Tuy Tây Vương Mẫu không cai trị chúng ta, song Bà đứng đầu các tiên nữ, các thần tiên đều đi phó hội, lẽ nào chúng ta lại không đi? Ngặt nổi không có vật báu chi để dâng lễ mừng thọ!”.

Trương Quả Lão nói: “Tây Vương Mẫu ở cung Diêu Trì thiếu chi vật báu. Chúng ta đặt văn chúc thọ mà khánh hạ thì hay hơn”. Lý Thiết Quả khen phải. Lữ Đồng Tân nói: “Văn chúng ta cũng tầm thường, ước được văn của Lão Quân mới xứng đáng”. Hà Tiên Cô nói: “Thái Thượng Lão Quân hậu đãi Lý tiên trưởng lắm, nếu cầu chắc được”. Lý Thiết Quả nói: “Phải, song của đông người, mà đi một mình ta thì thất lễ, vậy thì tám anh chi em ta đi đến đó mà cầu!”. Bát tiên liền đằng vân qua cung Đâu Suất (cung Thái Vi).

Nói về Lão Tử nghe tiên đồng vào báo liên nghinh tiếp Bát Tiên vào cung. Lão Tử cười rằng: “Thuở nay nhà nho hay đọc sách của ta như là sách đạo đức, kinh cảm ứng, song dùng cho thông ý tứ mà làm văn, chớ chẳng hề bắt chước theo lời khuyên bảo. Lại có kẻ kiêu ngạo, chê Phật, Lão nữa. Nên ta chẳng hề đặt sách chú thêm mà dạy đời”. Bát Tiên nghe nói đều nhìn mặt nhau, vì thấy Lão Quân đang buồn vì lòng người không hướng đạo, nên chẳng dám thưa việc xin văn chúc thọ. Lão Tử hỏi: “Bát tiên đến ta vì chuyện chi xin cứ nói ra đừng ngại!”. Lý Thiết Quả thưa chuyện… Lão Tử cười rằng: “Ta ít ưa việc ấy. vì nhiều người làm không được mà hay chê người khác. Song tám vị có lòng tìm đến mà đây từ chối sao phải, thôi để ta làm một bài từ cũng đủ”.

Nói rồi viết một bài từ trao cho Bát Tiên xem thử ai nấy khen ngợi vô cùng. Liền từ tạ lui về, đến nhờ Chức Nữ làm bức trướng bằng gấm, gắn chữ sáng như sao. Rồi đem đi chúc thọ.

Tây Vương Mẫu hiệu Quy Sơn Kim Mẫu hay Quy Đài Kim Mẫu Nguyên quân. Cung Khuyết của Vương Mẫu trên núi Quy Sơn có thành dài ngàn dặm, lầu ngọc mười hai tòa. Bên trái có Dao Trì, bên phải có Hoàn Thúy Thủy. Dưới chân núi có Nhược Thủy, bao quan sóng cao nghìn trượng không có cách nào lên đến được. Vương Mẫu có vườn đào, đào ba nghìn năm mới kết quả, thường có mở tiệc đào tiên mời chư tiên về dự.

Đời nhà Chu, vua Lệ Vương cưỡi ngựa đi tuần thú đi qua hướng tây có đến ra mắt Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu có ngâm một bài thơ chúc cho vua như sau:

Trời cao mấy thức mây
Muôn dặm khác đông tây
Cầu khẩn người không thác
Ngày sau đến chốn này.

Đời Hán, vua Võ Đế niên hiệu Nguyên Phong, Tây vương Mẫu giáng hạ tại đền có cho vua bảy trái đào tiên. Võ Đế ăn hai trái đều lấy hạt, truyền nội giám đem trồng. Tây Vương Mẫu cười rằng: “Ấy là Bàn Đào, không phải như của thế gian vì đúng ba nghìn năm mới có trái một kỳ, đất này mỏng trồng sao được”. Nói rồi nhìn thấy Đông Phương Sóc đang nhìn trộm, Vương Mẫu chỉ mà cười rằng: “Vườn đào ta chín ba kỳ đều bị thằng nhỏ này hái trộm ba lượt”.

Nói về Bát Tiên đến hội Bàn Đào, thấy thần tiên đến dự rất đông. Bát Tiên dâng bức trướng chúc thọ. Tây Vương Mẫu khen văn đặt rất hay. Đãi tiệc rồi, truyền mở cửa vườn lãnh uyễn cho thần tiên đi dạo. Xem thấy vườn đào chín đỏ, hoa kiểng đua nhau nở. Chim kêu như tiếng nhạc, gió đưa như sáo. Có bài thở khen rằng:

Thiên thượng thần tiên phủ
Nhân gian tể tướng gia
Hữu điền giai chưởng ngọc
Vô địa bất tài hoa.

Đi dạo xong, các thần tiên từ giã về hết. Còn Bát Tiên ở lại, Tây Vương Mẫu truyền đem tiên tửu thiết đãi nữa, lại còn đòi bốn tiên nữ mà nói rằng: “Nay đủ mặt có lòng đem văn chúc thọ. Vậy các phải hầu rượu mà tạ ơn”. Bốn nàng vâng lệnh dâng tám trái đào tiên cho Bát Tiên, rồi rót huỳnh tương mời uống. Tây Vương Mẫu gọi bốn nàng thị nữ bảo rằng: “Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, bốn ngươi từ khi ca múa tại đền Võ Đế đến nay cách đã lâu. Bây giờ hãy thổi sáo, đàn ca múa hát cho Bát Tiên uống rượu”. Bốn nàng vâng lời. Lam Thể Hòa khen hay, rót rượu dâng cho Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu nói: “Ta có nghe tiếng Lam Thể Hòa ca hát rất hay, vậy hãy biểu diễn tài nghệ góp vui cho buổi tiệc hôm nay”. Lam Thể Hòa khiêm nhượng nhiều lần không được, liền lấy cặp snah vừa nhịp vừa ca. Ai nấy đồng khen hay. Tây Vương Mẫu thưởng rượu và ban đào. Lam Thể Hòa nói: “Hàn Tương Tử thổi sáo hay lắm”. Tây Vương Mẫu bảo biểu diễn. Hàn Tương Tử vâng lời. Tây Vương Mẫu nghe xong khen rằng: “Bản nhạc ấy rất hay, An Phát Trinh cần ghi nhớ để sau nầy tập luyện”.

Đãi tiệc xong rồi, Bát Tiên từ tạ. Tây Vương Mẫu truyền năm tiên nữ đưa tiễn Bát Tiên. Bát Tiên trông thấy sóng bên biển Đông cao lắm. Lữ Đồng Tân nói: “Thuở nay nghe đồn Đông Hải mà chưa xem phong cảnh như thế nào, sẵn dịp cũng nên đằng vân đông du một chuyến. Lý Thiết Quả nói phải, Trương Quả Lão can rằng: “Chúng ta nay đã say rồi, để khi khác sẽ đi dạo cũng chẳng muộn”. Hán Chung Ly nói: “Sẵn dịp này chẳng dạo còn đợi hội nào?”. Bát Tiên giã từ năm tiên nữ, đồng đằng vân tới bờ biển Đông.

HỒI THỨ MƯỜI CHÍN

Bát Tiên đông du một lượt

Đồng Tân đấu trận hai lần

Khi đến bờ biển, Lữ Đồng Tân nói rằng: “Nay đằng vân quá hải không lấy chi làm tài, chi bằng mỗi người thả một bửu bối xuống biển, cưỡi qua tới bờ bên kia mới thật là thần thông”. Lý Thiết Quả ném gậy nổi trên mặt biển, nhảy xuống đứng lên có một chân; Hán Chung Ly ném phất chủ xuống như vậy; Trương Quả Lão thả lừa giấy; Lữ Đồng Tân thả ống tiêu; Lam Thể Hòa thả ngọc bảng; Hàn Tương Tử thả giỏ hoa lam; Hà Tiên Cô thả hoa sen; Tào Quốc Cựu thả thủ quyển bằng ngọc; Bát Tiên đồng đứng trên pháp bửu qua biển như thuyền.

Nói về Long Vương tại biển Đông, thấy hào quang chiếu sáng lấy làm lạ, sai thái tử Ma Yết lên xem thử vật chi. Thái tử vâng lời, lên mặt biển thấy ngọc bảng rất tốt, liền truyền dạ xoa đoạt lấy, Lam Thể Hòa hụt chân té xuống biển, thái tử bắt giam vào phòng riêng. Rồi đem ngọc bảng dâng cho Long Vương, ngọc bảng chiếu cả đền, cha con lấy làm đắc ý.

Bảy tiên không thấy Lam Thể Hòa đều lấy làm lạ. Lý Thiết Quả nói: “Chắc Long Vương làm càng, phải tìm ngay lập tức”. Trương Quả Lão nói: “Tại cải lời tôi khuyên nên mới sinh sự như vậy”. Hán Chung Ly nói: “Chuyện này tại Đồng Tân bày trước, bây giờ phải tìm cho ra. Chúng ta lên bờ biển ngồi đợi”. Lữ Đồng Tân vâng lệnh tìm không ra, liền hô lớn rằng: “Long Vương hãy trả bạn cho ta, nếu trễ nải thì ta đốt khô cả biển”. Dạ Xoa vào báo với Thái tử. Ma Yết nổi giận, lên mặt biển hỏi rằng: “Ngươi là ai, sao dám buông lời như vậy?”. Lữ Đồng Tân nói: “Ta là thượng tiên Lữ Thuần Dương. Đạo hữu ta là Lam Thể Hòa sa xuống đây, bảo Long Vương phải trả ngay lập tức”. Thái Tử hỏi: “Nếu không trả thì làm sao?”. Lữ Đồng Tân nói: “Ta đốt cho khô cả biển này”. Thái tử nói: “Người đừng khoe thần thông, nếu không về sẽ bị ta bắt nữa”. Lữ Đồng Tân chém một gươm, Thái tử liền lặn ngay xuống biển. Lữ Đồng Tân hóa muôn vạn bầu lửa, đốt biển sôi trào. Loài thủy tộc bị nóng gần tróc vảy, kinh hãi than khóc vang tai. Long Vương phán hỏi cớ gì. Dạ Xoa tâu lại. Long Vương phán rằng: “Ngỡ là Thái tử vớt được vật báu, nào hay làm phạm phép trời”. Truyền thả Lam Thể Hòa ra sai Dạ Xoa lên nói với Lữ Đồng Tân rằng: “Long Cung đã chịu thả người, xin đừng đốt biển nữa”. Lam Thể Hòa lên bờ, bảy tiên mừng rỡ, hỏi vì cớ nào mà bị bắt. Lam Thể Hòa nói rằng: “Thái tử tham vật báu mà bắt tôi, giờ đây không chịu trả ngọc bảng, xin các tiên nghĩ tình đạo hữu mà đòi lại giùm tôi, thật là khi không mà chịu nhục, hổ danh đứng vào Bát Tiên. Lý Thiết Quả nổi giận mà nói rằng: “Loài thủy tộc thật vô lễ, để ta đốt cạn biển lấy ngọc bảng lại tức thì”. Trương Quả Lão can rằng: “Để Đồng Tân đi đòi thử, chừng nào không trả hãy tính tiếp”. Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô đồng xuống đòi lại vật báu cho Lam Thể Hòa. Dạ Xoa liền báo với Thái tử. Thái tử nổi giận đem tướng trạnh binh cá lên đánh với Đồng Tân, được ít hiệp rồi bại tẩu. Hà Tiên Cô quăng nơm chụp Thái tử, Lữ Đồng Tân quăng gươm nhằm đầu, Ma Yết tử trận. Binh tướng về báo lại, Long Vương sai Nhị điện đem binh tướng lên đánh báo thù. Binh tướng Long Cung phủ vây chật kín, Lữ Đồng Tân quăng gươm phép phép chém binh tướng giải vây, chém nhằm Nhị điện rớt một cánh tay chạy về Long Cung, ngã xuống chết trước sân đền. Long Vương mất hai con, liền đem hết binh tướng đi báo cừu.

HỒI THỨ HAI MƯƠI

Bát Tiên nổi lửa thiêu Đông Hải

Long Vương nóng nước chạy Nam Dương

Nói về Lữ Đồng Tân và Hà Tiên Cô về thuật chuyện. Lam Thể Hòa bằng lòng lắm. Trương Quả Lão châu mày than rằng: “Nay giết nhị vị thái tử, lẽ nào Long Vương chịu thua, chắc là giặc tới bây giờ!”. Hán Chung Ly nói: “chuyện lỡ rồi, phải dự phòng mà cự địch”. Lý Thiết Quả nói: “Ông có tài chinh chiến, bây giờ tính kế làm sao?”. Hán Chung Ly nói: “Nếu giao hiệu lệnh cho tôi, lo chi không thắng. Tám anh em chúng ta hóa binh mã mà dọa nó, đồng hỗn chiến thì thành công”. Xảy thấy Long Vương kéo binh tướng đến bố trận chỉnh tề, khiêu chiến. Hán Chung Ly truyền rằng: “Lữ Đồng Tân, Hàn Tương Tử đi bên tả, Lam Thể Hòa, Hà Tiên cô đi bên hữu, Lý Thiết Quả, Tào Quốc Cưu tập hậu, Trương Quả Lão cầm lệnh kỳ, thấy phe mình cự không lại thì phất cờ hóa binh tới giải vây”. Truyền rồi Hán Chung Ly đi tiên phong, Long Vương nóng lòng báo thù, không hỏi họ tên, liền đâm một giáo, Hán Chung Ly đưa gươm ra đỡ, đánh năm chục hiệp cầm hòa. Binh tướng Long Vương áp tới trợ chiến. Trương Quả Lão thấy vậy rung cờ. Các tiên thấy vậy kéo binh lướt tới. Long Vương biết một mình không cự lại chư tiên, liền lặn xuống Đông Hải. Lý Thiết Quả quăng bầu lửa, đốt biển cạn khô, Long Vương dắt gia quyến chạy qua Nam Hải, loài thủy tộc chết vô số. Bát Tiên vào ở Long Cung.

Nói về Nam Hải Long Vương là Ngao Thuận, nghe binh vào báo việc Bát Tiên đánh với Ngao Quảng. Ngao Thuận nghe nói liền dẫn binh đi trợ chiến. Xảy thấy Ngao Quảng dắt gia quyến đến khóc than thuật chuyện… Xin nương ngụ, viện binh báo oán. Ngao Thuận nổi giận nói rằng: “Dù Thái tử đoạt ngọc bảng thì lấy lời mà đòi. Lẽ nào chém người và phóng lửa. Chẳng hay binh mã bao nhiêu?”. Ngao Quảng nói: “Binh ít mà tướng tài lắm”. Ngao Thuận hỏi: “Bát Tiên đồn binh tại đâu?”. Ngao Quảng nói: “Bát Tiên đóng trại trong cung ta”. Ngao Thuận nói: “Nếu bọn họ đồn binh trên bờ thì khó phá. Nay chung vào cửa tử, ta dâng nước lụt thì thành công”. Ngao Quảng khen kế hay lắm. Ngao Thuận liền cho báo tin với Tây Hải và Bắc Hải, đến canh năm đồng dâng nước, hiệp binh mà đánh Bát Tiên.

HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT

Bát Tiên lấp Đông Hải

Long Tiên tấu Thiên Tào.

Nói về Bát Tiên đến Long Cung lấy được ngọc bảng, bàn luận với nhau rằng: “Vinh hoa khoái lạc như thế này, còn ham vật báu làm chi cho hư nhà hại mạng”. Tối lại Bát Tiên mỏi mệt, tính nghỉ một đêm sẽ đi. Song Trương Quả Lão hay lo nên thao thức. Nghĩ rằng: “Các tiên tổ chức hội tại núi Long Hoa có mời trước. Nên tính đi phó hội, không dè sinh sự thế này”. Qua đầu canh năm, nghe tiếng nói ngoài cung. Trương Quả Lão liền kêu các tiên dậy mà nói rằng: “Tiếng nói thì thầm to nhỏ, chắc là phục binh”. Các tiên nói: “Không dè chúng nó bại trận mà dám cướp dinh, thật là xuất kỳ bất ý”. Mới mở cửa ra, nghe tiếng pháo nổ, nước đã dâng tới ngập đền. Bát Tiên quăng bầu lửa ra bị nước dập tắt hết. Tào Quốc Cựu có dây đai bằng u tây, nên lội tới đâu thì rẽ nước tới đó. Bảy tiên nhờ vịn đai ấy, lội lên mé biển một lượt.

Còn Ngao Quảng ngỡ là Bát Tiên bị nước đã khốn, nên truyền dọn tiệc ăn mừng và đãi ba em, vui cười hỉ hả.

Nói về Trương Quả Lão rủ bảy tiên phó hội Long Hoa. Lữ Đồng Tân nói: “Để báo thù rồi sẽ phó hội. Nếu chịu thua cũng tức, bằng cự địch thì ít phải thua nhiều. Chi bằng xô núi Thái Sơn lấp biển làm sập đền Long Cung cho hả giận”. Bảy tiên đồng khen phải, liền khiên núi Thái Sơn lấp biển. Xong rồi vỗ tay cười ngất đi phó hội Long Hoa.

Còn bốn vị Long Vương đang yến ẩm, nghe núi ngả lấp biển Đông, Tứ Hải Long Vương biết Bát Tiên thoát khỏi nên lấp biển báo oán. Cả bọn đồng chạy qua biển Nam tỵ nạn, ngó lại đền đài sập nát, binh tướng thác oan vô số. Ngao Quảng tức tối cứ khóc chẳng thôi, Ngao Thuận nói: “Xin anh đừng phiền muộn, Bát Tiên có bốn tội rõ ràng: “Đó là giết người, đốt biển, xô Thái Sơn, lấp Đông Hải. Đều phạm luật Thiên Đình, chúng ta cáo với Thượng Đế chắc sai thiên binh vấn tội Bát Tiên, ta sẽ trợ chiến. Dù giết Bát Tiên, mình cũng vô tội, bằng Bát Tiên thắng trận thì phạm luật nghịch thiên, bề nào cũng chống trời không nổi”. Ngao Quảng khen rằng: “Hiền đệ quả là cao kế, ngu huynh xin bái phục”. Ngao Thuận đặt sớ như sau:

“Thần là Đông Hải Long Vương Ngao Quảng, tâu về việc Bát Tiên có phạm bốn tội. Thần vâng lệnh cho mưa giúp đời. Bởi Bát Tiên làm phép lấp biển Đông nên trưởng tử lấy lời khuyên bảo. Đã không biết lỗi quăng gươm chém hai đứa con thơ. Lại quyết tâm thả bầu lửa đốt mấy tòa đền báu. Xô Thái Sơn làm cá mắc cạn. Lấp Đông Hải nước biển khó thông. Con thần chết đi không biết lấy ai nối nghiệp Long Cung, đền nọ hư rồi khó nổi trị vì Thủy Phủ. Xin Thượng Đế lấy luật nghiêm trị tội, ngõ hầu trừ kẻ phạm tội hại đời…”.

Khi Ngao Quảng dâng sớ, Thượng Đế xem qua nổi giận, sai Triệu nguyên soái xuống xem xét, quả có như vậy thì bắt Bát Tiên đem về. Triệu nguyên soái vâng chỉ, hỏi Bát Tiên bây giờ ở đâu. Ngao Quảng nói: “Tôi sai thám thính, Bát Tiên còn ở hội Long Hoa”. Triệu nguyên soái liền dẫn binh tới đó.

HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI

Triệu nguyên soái đại chiến tám tiên

Quan Thế Âm giảng hòa hai phía

Nói về Bát Tiên đang ăn tiệc với chư thần tiên, có Đấu Chiến Thắng Phật Tôn Hành Giả. Xảy thấy binh trời kéo đến, Triệu nguyên soái ngồi trên mình ngựa, giơ siêu đao nạt lớn rằng: “Ta vâng thánh chỉ bắt Bát Tiên, hãy mau ra đây mà chịu trói”. Chư thần tiên nghe nói hãi kinh. Lý Thiết Quả nói: “Chắc là Long Vương đi cáo”. Lữ Đồng Tân nói: “Để tôi ra nói với thiên tướng, đợi ngày mai rồi sẽ tâu trước bệ rồng, mới biết ai phải ai quấy”. Nói rồi ra chào rằng: “Xin thiên tướng lui binh về, rạng ngày mai tôi vào chầu xin chịu tội”. Triệu nguyên soái nổi giận nói rằng: “Các người phạm luật trời, muốn hẹn ngày mai sao được”. Lữ Đồng Tân hỏi: “Chúng tôi phạm tội chi?”. Triệu nguyên soái nói: “Nổi lửa, giết người, xô núi, lấp biển, không phải tội hay sao?”. Triệu nguyên soái nói tiếp: “Đông Hải Long Vương dâng sớ nói rằng…”. Lữ Đồng Tân nói: “Lẽ nào nghe lời tiên cáo mà làm tội chúng tôi”. Triệu nguyên soái nói: “Ta vâng chỉ bắt cho được, chẳng hề hỏi việc phải quấy làm chi”. Nói rồi vớt một đao, Lữ Đồng Tân không dám giao tranh, sợ nghịch chỉ nên bại tẩu, Hán Chung Ly thấy Ngao Quảng kéo binh theo sau, nên nổi giận. Lại thấy Triệu nguyên soái đuổi sát Đồng Tân nên Chung Ly giục ngựa ra trận. Triệu nguyên soái thấy vậy, bỏ Đồng Tân đánh với Chung Ly hai trăm hiệp không phân thắng bại. Ngao Quảng xông vào trợ chiến, Lữ Đồng Tân vội trợ lại đánh tiếp Hán Chung Ly. Nam Hải Long Vương lại kéo binh tới nữa. Hàn Tương Tử đón lại giao tranh. Tây Hải, Bắc Hải Long Vương đồng ra hỗn chiến, Lam Thể Hòa, Hà Tiên Cô đón lại đánh liền. Từ giờ ngọ cự tới giờ thân. Các tiên tại hội Long Hoa đều khen cả. Chẳng ngờ Hán Chung Ly sa mã, Triệu nguyên soái mới giơ siêu đao định chém xuống, liền bị Lý Thiết Quả đập một gậy nhằm cổ tay, Triệu nguyên soái buông siêu đạo mà chạy. Bát Tiên thừa thắng đuổi theo. Tứ Hải Long Vương cũng chạy miết. Bát Tiên đuổi đến bờ biển Đông, mới trở lại hội Long Hoa. Chư thần tiên rót rượu chúc mừng. Trương Quả Lão nói: “Tuy thắng trận, mà mắc tội nghịch chỉ. Ngày mai chắc có thiên binh đến nữa biết tính làm sao, cũng như cưỡi hổ lỡ rồi, bề nào cũng không dám nhảy xuống. Xin chư vị giúp chúng tôi với”. Tôn Hành Giả cười rằng: “Đời xưa lão Tôn cự với thiên tướng đã biết mặt rồi. Nay tuy theo Phật đạo đã lâu song thấy việc bất bình, khó nổi làm thinh mà nhìn. Bề nào Lão tôn sẽ cũng giúp cho”. Bát Tiên liền đa tạ.

Nói qua Triệu nguyên soái bị thương, bại tẩu về tâu rằng: “chuyện Long Vương cáo quả thật không sai. Thần một mình cự không lại Bát Tiên, xin cho thần thêm binh tướng”. Thượng Đế sai Ôn nguyên soái, Quan nguyên soái đem một vạn thiên binh đi trước rồi sai Mã nguyên soái, Triệu nguyên soái đem hai mươi vạn thiên binh tiếp ứng, rồi sai Long Vương đi cầu viện Như Lai.

Khi ấy Quan nguyên soái nói với Ôn nguyên soái rằng: “Nếu Long Vương không lỗi với Bát Tiên, lẽ nào Bát Tiên dám hành hung như vậy?”. Chắc Triệu nguyên soái nóng quá mới bại trận. Ta phải đi trước lấy lẽ phải quấy mà nói mới xong”. Nói rồi kéo binh tới sai người vào thỉnh Bát Tiên. Lý Thiết Quả nói: “Ta phải đi cầu viện Lão Quân mới được, các anh em xem thế mà phòng thủ”. Nói rồi đằng vân. Hán Chung Ly với Lữ Đồng Tân ra trận. Các tiên và Tôn Hành Giả thủ dinh. Hán Chung Ly ra chào nhị vị nguyên soái. Quan nguyên soái đáp lễ rồi hỏi rằng: “Sao các ông dám nghịch chỉ?”. Hán Chung Ly liền thuật chuyện, rồi nói tiếp: “Bởi cớ sự như vậy, Triệu nguyên soái không cho chúng tôi về tấu, đánh liền nên phải bị thương”. Nói chưa dứt lời, Mã nguyên soái, Triệu nguyên soái kéo binh đến cướp trại Bát Tiên; Tôn Hành Giả cầm thiết bảng đánh thiên binh chạy tán loạn. Mã nguyên soái, Triệu nguyên soái đỡ thiết bảng mà gãy hết đao thương. Xảy thấy Thái Thượng Lão Quân và Thích Ca Như Lai đến hô lớn rằng: “Đại thánh hãy dừng tay có hai ta đến đây hòa giải”. Nói rồi kêu Bát Tiên và Long Vương đến hỏi trước sau. Thời may có Quan Âm đằng vân tới, đồng nghe rõ câu chuyện, Quan Âm nói: “Chuyện này phải đem đến Thượng Đế phân xử mới được”. Ai nấy đồng chịu. Đến chầu Thượng Đế, phán rằng: “Bát Tiên làm quá phép, tội ấy khó dung”. Lão Tử, Thích Ca, Quan Âm đồng tâu: “Tuy Bát Tiên đáng tội, song tại Long Vương để con đoạt ngọc bảng và cầm ngục Lam Thể Hòa mới sinh ra tranh đấu. Sau tại Triệu nguyên soái không cho Bát Tiên về tâu lại, mới sinh việc chiến tranh, chẳng phải Bát Tiên dám nghịch chỉ”. Thượng Đế liền nói: “Như vậy thì Trẫm giao cho ba vị phân xử”. Lão Tử, Thích Ca nhường cho Quan Âm xử án. Quan Âm kêu Ngao Quảng hỏi rằng: “Ngọc bảng hiện giờ ở đâu?”. Ngao Quang nói: “Bát tiên đã đoạt lại rồi”. Quan Âm bảo Bát Tiên đem ngọc bảng ra lựa hai miếng tốt hơn hết, đưa cho Ngao Quảng mà nói rằng: “Thái Tử vì vật báu này nên cướp của, bắt người mà mang họa. Song chết đã lâu không hoàn hồn được. Vậy thì cất hai tấm ngọc bảng ấy, cũng như thấy mặt hai con”. Ngao Quảng tạ ơn lãnh ngọc, khóc lớn và nói rằng: “Người ta xô núi lấp biển, đè bẹp đền đài, giờ đây tôi không còn chỗ trú thân”. Quan Âm trổ thần thông đem núi về chỗ cũ, biển Đông sóng bủa như xưa, rãi nước cam lộ đền đài trở lại như trước. Thích Ca, Lão Tử đồng khen ngợi. Ba vị dạy Bát Tiên và Long Vương đến lạy Thượng Đế mà chịu tội. Quan Âm thuật chuyện xử án… Thượng Đế khen rằng: “Quả thật Quan Âm thần thông cao lắm. Còn Long Vương làm trái lẽ bị phạt bổng một năm; Bát Tiên phạm tội sát nhân đều giáng chức mỗi người một cấp, năm sau mới phục chức như xưa”. Ai nấy đồng tạ ơn. Thích Ca cùng Lão Tử, Quan Âm đều tạ từ lui về.

HẾT

[1] Thanh Dương Tứ: chợ Thanh Dương.

[2] Thuyền len: thuyền chở khẳm.

[3] Đoạn hậu: đi sau cản đường.

[4] Phách: cặp sanh.

Bình luận về bài viết này